'Nexus' - lược sử về những mạng lưới thông tin của loài người

Trong tác phẩm 'Nexus' vừa được ra mắt, sử gia 'triệu bản' Yuval Noah Harari đã đưa độc giả vào cuộc hành trình tìm hiểu lịch sử của những mạng lưới thông tin từ thời đồ đá cho đến trí tuệ nhân tạo, qua đó đóng góp những nhận định mới và cảnh báo về một tương lai có nhiều thách thức.

Là tác giả của những công trình đại sử được đánh giá cao như Homo Sapiens, Homo Deus 21 bài học cho thế kỷ 21, Yuval Noah Harari nổi tiếng với cách tiếp cận và nắm bắt vấn đề một cách bao quát, dàn trải thay vì tập trung vào các ngóc ngách của nhiều khu vực khác nhau. Ở Nexus, cách tiếp cận này tương đối đúng đắn khi thay vì đi sâu vào chiều ngang địa lý thì tác giả tập trung hơn vào những mấu chốt của chiều dọc thời gian, qua đó làm rõ những điểm trọng tâm của các mạng lưới: từ chuyện kể, sách vở, hệ thống quan liêu cho đến điện tín, máy tính, trí tuệ nhân tạo...

Quá trình phát triển

Ở đầu cuốn sách, ông đã thách thức định nghĩa về thông tin mà ta vốn biết cũng như đưa ra một khái niệm mới đó là “góc nhìn ngây ngô về thông tin”. Theo Harari, thông tin không đồng nghĩa với sự thật và niềm tin cho rằng thu thập, xử lý càng nhiều thông tin thì ta sẽ càng hiểu rõ sự thật, rồi từ sự thật đi đến quyền lực, thông tuệ là không chính xác. Với tác giả, những gì thông tin thực hiện là tạo ra những thực tại mới bằng cách gắn kết những thứ tách bạch theo một chủ ý, vì vậy thông tin không có đúng – sai cũng như dẫu tăng liên tục về tính kết nối thì sự trung thực lại ngày càng giảm.

Bìa sách Nexus vừa được ra mắt. Ảnh: Omega Plus

Ở từng chương nhỏ, Harari đã đưa ra những dẫn chứng thú vị để tác phẩm không khô khan hay quá xa vời với một đối tượng tương đối vô hình, gần như trừu tượng là mạng lưới thông tin. Và cũng chính từ những điển hình đó, cuốn sách đã khám phá những tình huống nan giải trọng yếu mà con người ở mọi thời đại luôn phải đối mặt khi cố xây dựng mạng lưới thông tin, từ đó định hình nên xã hội loài người. Đầu tiên, tác giả đã xem xét hai mạng lưới thông tin ở những buổi đầu đó là huyền thoại và hệ thống quan liêu.

Theo đó chuyện kể hư cấu là cách nguyên thủy nhất để các cộng đồng có thể kết nối “liên chủ thể” với nhau, tuy nhiên do thiếu chính xác khi chủ yếu dựa trên truyền miệng cũng như dễ dàng “tam sao thất bản” mà hệ thống ghi chép từ các giao dịch thương mại ghi trên các phiến đất sét cho đến các biểu mẫu được lưu trữ trong hệ thống quan liêu hay sự ra đời của giấy và công nghệ in... cuối cùng cũng đã xuất hiện. Điều này cũng đánh dấu sự ra đời của Kinh Thánh, Kinh Quran, Kinh Phật... như những lãnh đạo về mặt tinh thần của thế giới này.

Và để thống nhất thì những quy ước mang tính bất khả ngộ, không thể đổi khác, không phải nhân tạo bắt đầu xuất hiện. Ở mỗi đại diện cho từng thời kỳ, Harari luôn đi rất sâu và tìm ra những hạn chế, thách thức cũng như ảnh hưởng sâu rộng của chúng, góp phần mang đến cuốn sách mới mẻ, thú vị và đầy hấp dẫn.

Sử thi Ramayana của Ấn Độ là điển hình của mạng lưới thông tin nguyên sơ dựa trên motif sinh học. Ảnh: Ancient Origins

Sử thi Ramayana của Ấn Độ là điển hình của mạng lưới thông tin nguyên sơ dựa trên motif sinh học. Ảnh: Ancient Origins

Kịch bản cho tương lai

Từ những điều trên ông đã chuyển sang thế kỷ 21 với sự phát triển của công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo, qua đó cảnh báo về một thế giới nơi mà AI có quyền lực lớn và nhiều khả năng sẽ làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nó là “thách thức” cho nền chuyên chính dân chủ vì sự phân tán trong không gian mạng quá đỗi khổng lồ, nhưng cũng đồng thời là một “chướng ngại” cho các chính quyền độc tài bởi sự mơ hồ cũng như không thể hiểu rõ cách thức hoạt động, từ đó mà sự hoài nghi của quyền lực tập trung luôn bị thách thức. Dưới hiện thực là cuộc chiến vi mạch vẫn đang diễn ra ở nhiều cường quốc, Harari đã đưa ra 2 kịch bản cho tương lai gần.

Một là quyền năng của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gia tăng xung đột hiện có, qua đó chia rẽ nhân loại chống lại chính mình. Bởi nhẽ AI vốn thường hoạt động dựa trên đa điểm (nghĩa là nó thường xem xét một vấn đề dựa trên nhiều yếu tố thay vì số ít như là con người), dẫn đến định kiến hay sự cực đoan dễ dàng thâm nhập vào công nghệ này khi không ai rõ thuật toán tự mình cải tiến ra sao.

Sử gia Yuval Noah Harari đã đưa ra hai kịch bản cho tương lai nếu thông tin không được kiểm soát trong Nexus. Ảnh: The Guardian

Cũng vì điều này mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tôn giáo... có thể xảy ra càng trầm trọng hơn, từ đó khuếch đại thêm nữa những bất công vốn đang tồn tại trong những cộng đồng tương đối mong manh.

Khi nó xảy ra, phẩm chất con người bắt đầu co cụm theo những đánh giá điểm số mà các tiêu chí cũng rất mơ hồ, biến thế giới thực thành một không gian “phản địa đàng” quy mô khổng lồ. Đó là thực tế khi mạng lưới thông tin đã trở nên quá phức tạp, khiến thực thể liên máy tính và các thuật toán dễ dàng chiếm lĩnh mà chính con người không thể kiểm soát.

Với cuộc chạy đua công nghệ hiện nay, kịch bản thứ 2 là cuộc chiến mới mà Harari gọi là Bức màn Silic. Tương tự như Bức màn Sắt trong thế kỷ 20 chia rẽ các cường quốc đối địch trong Chiến tranh Lạnh bằng dây thép gai và những bức tường ngày càng cao mãi, thì Bức màn Silic cũng có khả năng gây ra phân cực giữa các cường quốc trong cuộc xung đột toàn cầu mới. Ở đó quyền lực bắt đầu tập trung vào các phe phái có thế mạnh trong việc phát triển công nghệ cao, qua đó thay đổi bản đồ thế giới và khiến cho nền hòa bình trở nên mong manh.

Khi đó, có thể nói như Harari, cuộc chạy đua vũ trang AI sẽ sản sinh ra những thứ vũ khí có sức hủy diệt hơn bao giờ hết, khi “ngay cả một tia lửa nhỏ cũng có thể châm ngòi cho một trận hỏa hoạn ác nghiệt”.

Bức tường Silic là một trong hai kịch bản được Yuval Noah Harari đưa ra để tiên đoán về một thế giới phân cực. Ảnh: The New York Times

Bức tường Silic là một trong hai kịch bản được Yuval Noah Harari đưa ra để tiên đoán về một thế giới phân cực. Ảnh: The New York Times

Từ hai điều trên, ông cũng đưa ra rất nhiều giải pháp mang tính vĩ mô như phi tập trung hóa, đòi hỏi những ông chủ công nghệ cam kết cân bằng nghĩa vụ được ủy thác với mô hình kinh doanh hiện tại hay khuyến khích người dùng trả tiền cho các dịch vụ thay vì thông tin... Đây khó có thể nói là những giải pháp căn cơ, ngày một ngày hai, thế nhưng ít nhiều qua các nghiên cứu của mình, Harari đã đưa ra được một bức tranh chung, từ đó lên tiếng cảnh báo những mối nguy hại có thể xảy ra.

Qua Nexus, Yuval Noah Harari đã chứng minh rằng thông tin không phải là nguyên liệu thô của sự thật, không phải là "vũ khí" thuần túy mà luôn có đủ không gian giữa hai thái cực nếu ta có được cái nhìn đa chiều cũng như vận dụng công nghệ, quyền lực một cách khôn ngoan.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nexus-luoc-su-ve-nhung-mang-luoi-thong-tin-cua-loai-nguoi-45738.html