Nga-Ấn Độ: Những mảnh ghép 'chưa hoàn chỉnh' và sự bền vững khó nhạt phai
Theo nhà báo chuyên về các vấn đề đối ngoại Emily Tamkin, nhận thức chung của nhiều người là New Delhi sẽ ngả về phía Washington trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Ấn ngày càng tăng song không thể bỏ qua tầm quan trọng của Moscow.
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko và Bộ trưởng Ấn Độ Swaran Singh ký Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ-Liên Xô ngày 8/8/1971. (Nguồn: Getty)
Tháng 12/1971, Ấn Độ và Pakistan đã giao chiến trong 13 ngày - một trong những cuộc chiến tranh ngắn nhất trong lịch sử mà nguyên nhân là cuộc khủng hoảng nhân quyền ở miền Đông Pakistan, nay là Bangladesh.
Trong nhiều tháng, Ấn Độ đã cố gắng thuyết phục thế giới rằng việc Tây Pakistan xâm lược Đông Pakistan là một tình huống khẩn cấp. Người tị nạn từ Đông Pakistan đã tràn sang Ấn Độ, và tình hình chỉ có thể được cải thiện bằng cách giải quyết tình thế khó khăn về chính trị giữa miền Đông và Tây Pakistan.
Liên Xô là quốc gia duy nhất chịu lắng nghe. Tháng 8/1971, hai bên đã ký Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác Ấn Độ-Liên Xô. Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã trì hoãn việc hoàn tất hiệp ước này vì các lý do chính trị trong nước; bà không muốn để cho các đối thủ chính trị có thêm lý do để cáo buộc bà quá thân thiết với Liên Xô.
Tuy nhiên, các mối quan ngại quốc tế đã sớm trở nên cấp thiết hơn: Với việc ký kết hiệp ước trên, Liên Xô đã hỗ trợ cho Ấn Độ cả về ngoại giao lẫn vũ khí, những yếu tố cần thiết cho cuộc chiến mà Gandhi biết là đang đến, giúp Ấn Độ vượt qua Pakistan.
Không chỉ là kỷ niệm đẹp
Mặc dù thế giới năm 2020 đã thay đổi theo nhiều cách so với thời kỳ đó, nhưng năm 1971 vẫn ám ảnh mối quan hệ Nga-Ấn cho đến nay. Vào thời điểm đó, Moscow là đối tác đáng tin cậy duy nhất của New Delhi. Còn Mỹ lại chủ động phớt lờ những yêu cầu khẩn khoản của Ấn Độ về việc giải quyết tình hình ở miền Đông Pakistan: Tổng thống Richard Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger coi Pakistan là trung gian chủ chốt trong việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc.
Ngay cả trong giai đoạn hiện nay, năm 2020, chính Moscow đã tổ chức cuộc họp ba bên giữa ngoại trưởng các nước Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 23/6, đưa New Delhi và Bắc Kinh xích lại gần nhau sau các vụ đụng độ gây nhiều thương vong giữa lực lượng vũ trang hai nước ở thung lũng Galwan trong vùng lãnh thổ Ladakh bị tranh chấp.
Một lần nữa, trong bối cảnh các vấn đề quốc tế ngày càng căng thẳng, Moscow lại ra mặt. Và không chỉ có thế, Nga đã cam kết sẽ cung cấp cho Ấn Độ các trang thiết bị quốc phòng mới trong 2-3 tháng tới theo yêu cầu của New Delhi.
Một số người cho rằng vai trò quan trọng của Moscow chỉ còn là một kỷ niệm đẹp. Mặc dù chính phủ Ấn Độ vẫn khẳng định rằng họ phải duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Nga, nhưng một số người khác ở Ấn Độ lại cho rằng tương lai của nước này phụ thuộc hoàn toàn, hoặc ít nhất là phần lớn vào quan hệ với Mỹ.
C. Raja Mohan, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho rằng mối quan hệ tốt đẹp nhất và thực chất nhất mà Ấn Độ từng có là với Mỹ. Ấn Độ sẽ không hy sinh điều đó chỉ vì từng thân thiết với Nga.
Chắc chắn việc các ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Donald Trump là Rex Tillerson và Mike Pompeo đều có các bài diễn văn “đao to búa lớn” về Ấn Độ và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay từ đầu nhiệm kỳ của họ cho thấy Ấn Độ có vai trò quan trọng với Mỹ. Hơn nữa, việc Tổng thống Donald Trump tới Ấn Độ vào tháng 2/2020 trong một chuyến thăm nặng về hình thức (nhưng ít có ý nghĩa thực chất) cũng cho thấy điều tương tự.
Tuy vậy, việc xây dựng quan hệ hữu nghị với Washington không có nghĩa là New Delhi không thể duy trì mối quan hệ quan trọng giữa họ và Moscow. Thế giới đã thay đổi, nhưng Ấn Độ và Nga đã tìm ra các cách để giữ vững mối quan hệ song phương, hỗ trợ lẫn nhau khi các nước khác trên thế giới quay lưng, duy trì các chính sách đối ngoại phần lớn là nhất quán bất chấp sự thay đổi trong ban lãnh đạo và từ chối chôn vùi mối quan hệ đối tác lâu đời.
"Đang ở trạng thái tốt nhất"
Saurabh Joshi, nhà báo chuyên về lĩnh vực quốc phòng hoạt động tại New Delhi, cho rằng mối quan hệ Nga-Ấn đang ở trạng thái tốt nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Quan hệ Nga-Ấn không phải đến năm 1971 mới bắt đầu. Moscow và Delhi đã tăng cường quan hệ trong suốt những năm 1950 và 1960, dù vấp phải một số gián đoạn và trục trặc. Theo Anuradha Chenoy, một chuyên gia về Nga từng là Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, Liên Xô đã viện trợ phát triển cho Ấn Độ trong những năm 1950 hậu Stalin và hỗ trợ quân sự trong những năm 1960.
Bà cho rằng việc Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru hình dung đất nước của ông sẽ phi tư bản và ít nhất phần nào theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng góp phần hữu ích cho mối quan hệ này.
Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Georgy Zhukov và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong cuộc gặp tại New Delhi năm 1956. (Nguồn: TASS/Getty)
Tuy nhiên, nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ Ronen Sen, người từng làm việc tại Liên Xô trong giai đoạn 1968-1985, và là Đại sứ Ấn Độ tại Liên bang Nga từ năm 1992-1998, cho rằng Mỹ mới là đất nước mà Ấn Độ có chung ý thức hệ, hoặc được cho là chia sẻ các giá trị và quan điểm chung. Ông cho rằng cả hai bên đều có những kỳ vọng lớn lao hơn. Suy rộng ra, điều đó nghĩa là khi những kỳ vọng này không được đáp ứng thì nỗi thất vọng nảy sinh từ đó cũng sâu sắc hơn.
Trong khi đó, Liên Xô lại vượt xa những kỳ vọng mà họ vốn không nhất thiết phải đáp ứng. Các vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ vào những năm 1970 đã gây ra căng thẳng với Mỹ. Washington không tán thành nỗ lực của Ấn Độ nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân, còn các nhà ngoại giao Ấn Độ cũng bực tức trước thái độ kẻ cả của các đối tác Mỹ. Trong khi đó, Liên Xô công khai nhấn mạnh bản chất hòa bình của các vụ thử hạt nhân, mặc dù ghi chép lịch sử cho thấy Liên Xô đã âm thầm thuyết phục Ấn Độ không xúc tiến nỗ lực này.
Liên Xô không chỉ ngầm hỗ trợ, hoặc ít nhất là phản đối một cách yếu ớt, chương trình hạt nhân của Ấn Độ mà còn giúp xây dựng lực lượng quốc phòng nước này. Các nhà sử học cho rằng Ấn Độ phụ thuộc quá mức vào máy móc phòng thủ của Liên Xô trong những năm 1970 và 1980. Và sự phụ thuộc đó gần như không hề tốn kém: Liên Xô thường cho Ấn Độ mua chịu các trang thiết bị này.
Ngoài ra, Ấn Độ còn có ý nghĩa tương đối quan trọng đối với Liên Xô, nước vốn thường quan tâm đến Ấn Độ hơn so với Mỹ. Mặc dù có thể đã có lúc Mỹ quyết định chú ý tới Ấn Độ, nhưng sự chú ý này không thường xuyên và dựa trên nhu cầu; sự quan tâm của Liên Xô được duy trì lâu dài hơn.
Tài liệu Mitrokhin, vốn được lấy ra từ các hồ sơ và kế hoạch của KGB từ thời Liên Xô, đã dành riêng không chỉ 1 mà đến 2 chương của tập thứ hai để nhắc đến Ấn Độ; điều này cho thấy New Delhi quan trọng đối với Moscow đến mức nào. Đáng chú ý, thuyết âm mưu cho rằng Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Mỹ đã tạo ra đại dịch HIV/AIDS là do Moscow tung ra trên một tờ báo Ấn Độ.
Một điểm đáng chú ý khác là Ấn Độ và Liên Xô không áp đặt các quy tắc đạo đức của họ cho nhau. Ấn Độ đã giữ im lặng trước sự liên quan của Liên Xô trong Cách mạng Hungary năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968. Đổi lại, Liên Xô đã ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề Kashmir, khu vực mà Ấn Độ và Pakistan có tranh chấp kể từ khi hai nước giành độc lập vào năm 1947.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại KyrgyzstanPhunchok Stobdan nói: “Kể từ những năm 1950, lập trường của Nga về Kashmir là động lực thúc đẩy chủ chốt”. Nếu Trung Quốc, hoặc gần đây hơn là Mỹ, có thể đã chỉ trích Ấn Độ về vấn đề Kashmir tại Liên hợp quốc, thì Liên Xô (và giờ là Nga) có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để bảo vệ Ấn Độ.
Và họ đã làm như vậy. Năm 1957, 1962 và 1971, Liên Xô là nước duy nhất phủ quyết các nghị quyết yêu cầu Liên hợp quốc can thiệp vào vấn đề Kashmir; mùa Hè năm 2019, khi Ấn Độ thu hồi quy chế đặc biệt đối với Kashmir và khiến bang này rơi vào tình trạng bị phong tỏa và chặn thông tin, Nga là nước đầu tiên gọi đây là vấn đề nội bộ của Ấn Độ.
Tài liệu Mitrokhin, vốn được lấy ra từ các hồ sơ và kế hoạch của KGB từ thời Liên Xô, dành 2 chương của tập thứ hai để nhắc đến Ấn Độ; điều này cho thấy New Delhi quan trọng đối với Moscow đến mức nào.
Trong những năm 1990, câu chuyện vẫn tiếp diễn nhưng thời đại đã thay đổi. Liên Xô tan rã, và ít nhất là trong một thập kỷ, Liên bang Nga lại chú trọng hơn đến việc hướng sang phía Tây thay vì phát triển mối quan hệ đặc biệt với Ấn Độ. Vốn đang tiến hành các cải cách lớn về tài chính và mở cửa nền kinh tế, Ấn Độ một lần nữa tìm đến Mỹ.
Câu chuyện chưa hoàn chỉnh
Nhưng câu chuyện về thập kỷ bị lãng quên giữa Ấn Độ và Nga vẫn chưa hoàn chỉnh trên một vài khía cạnh. Thực tế là Ấn Độ, vốn sử dụng quân trang và vũ khí của Nga trong Lục quân, Hải quân và Không quân của mình, cần tới ngành công nghiệp quốc phòng của Nga – và về cơ bản đã giúp cho ngành này tồn tại được trong thời kỳ quá độ hỗn loạn của Nga.
Và mặc dù liên lạc giữa người dân hai nước và các mối liên hệ văn hóa không còn được như thời Liên Xô trước đây, nhưng một số gia tộc và doanh nghiệp – chẳng hạn như gia tộc Khemka của Tập đoàn Sun – đã xoay sở để kinh doanh tại Nga, với người Nga, và hiện vẫn đang hoạt động tại Nga. Chẳng hạn, ngành dược phẩm của Ấn Độ đã giành được thị phần đáng kể ở Nga: Năm 2000, Ấn Độ là nhà xuất khẩu thuốc lớn thứ 2 sang Nga sau Đức.
Có thể nói quan hệ thương mại giữa hai nước nhìn chung đã suy giảm. Nga từng là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 1990, nhưng đến năm 2015, Nga thậm chí còn không nằm trong số 30 nước hàng đầu tiếp nhận hàng xuất khẩu từ Ấn Độ.
Tất nhiên không thể bỏ qua một thực tế khác. Năm 1998, Ấn Độ đã tiến hành loạt thử hạt nhân thứ hai. Năm đó, sau các vụ thử hạt nhân, quan hệ Mỹ-Ấn một lần nữa đã trở nên xa cách. Trong khi đó, Nga lại dễ dàng và chấp nhận ý tưởng về một Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm rõ với New Delhi rằng con đường để Ấn Độ được chấp nhận là một cường quốc hạt nhân là phải thông qua Washington. Năm 2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ-Ấn.
Tuy nhiên, theo Asoke Mukerji, từng là Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc, bên hưởng lợi thực sự từ thỏa thuận đó chính là Nga: Moscow, chứ không phải Washington, đã hợp tác với New Delhi để xây dựng và lên kế hoạch xây dựng thêm các lò phản ứng hạt nhân.
Điều quan trọng là Nga đã cho Ấn Độ thuê tàu ngầm tấn công hạt nhân duy nhất của họ. Theo Ajai Shukla, một nhà báo quốc phòng và cũng là cựu Đại tá Lục quân Ấn Độ, chừng nào Nga còn là nước duy nhất sẵn sàng làm như vậy - và còn là nước duy nhất sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ các công nghệ quan trọng để nước này chế tạo dòng tàu ngầm tên lửa hạt nhân của riêng mình - thì quan hệ Nga-Ấn vẫn sẽ tiếp diễn.
Tàu INS Vikramaditya là một trong những tàu sân bay lớn, hiện đại nhất Ấn Độ, được hoán cải từ tuần dương hạm Baku của Nga. (Nguồn: Getty)
Điều tương tự cũng đúng trong quan hệ quốc phòng nói chung. Mặc dù Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã đa dạng hóa các nguồn mua sắm vũ khí và trang thiết bị quốc phòng của nước này - chẳng hạn như thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD gần đây với Mỹ sau chuyến thăm của Trump vào tháng 2/2020 - nhưng nhiều nguồn tin cho biết 60% nguồn cung ứng của Ấn Độ vẫn là từ Nga, và Ấn Độ vẫn sẽ mua sắm trang thiết bị của Nga trong tương lai.
Trong con mắt các nhà quan sát thận trọng, năm 2018, Putin và Modi đã tái khẳng định cam kết đối với mối quan hệ này thông qua một hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại thành phố Sochi của Nga. Vừa muốn có một hệ thống phòng thủ tên lửa, vừa muốn truyền tải thông điệp tới Mỹ, Ấn Độ đã chấp thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga cũng trong năm 2018, triệt tiêu cơ hội mua các trang thiết bị khác từ Mỹ.
Nga vẫn là đối tác đáng tin cậy
Nga vẫn tiếp tục được nhắc đến như là một đối tác đáng tin cậy ở Ấn Độ. Nước này sẽ không theo đuổi chính sách đẩy Ấn Độ vào xung đột. Chẳng hạn, họ sẽ không tiêu diệt một vị tướng Iran mà không gọi điện thông báo cho New Delhi. (Trong khi đó việc Nga sáp nhập Crimea không mấy liên quan đến Ấn Độ, vì vậy nước này cũng không ra tuyên bố phản đối động thái này năm 2014). Nga sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của mình sau mỗi đời tổng thống, vì Nga sẽ không có tổng thống mới, và Nga sẽ giữ im lặng trong những vấn đề mà Ấn Độ coi là vấn đề nội bộ.
Khó có thể khẳng định điều tương tự về Mỹ. Ngay cả khi ông Trump giữ cương vị lãnh đạo, nhiều nhân vật ở Mỹ vẫn ngày càng chỉ trích các vấn đề nhân quyền ở Ấn Độ. Hạ nghị sĩ Ilhan Omar, thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Ấn Độ ở Kashmir. Nghị sĩ Pramila Jayapal cũng vậy. Kết quả là Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã từ chối gặp Jayapal và Ủy ban đối ngoại Hạ viện, nói rằng ông không muốn gặp bà.
Và cho dù Modi và Trump đã bày tỏ mối quan hệ thân thiết, nhưng một số đảng viên Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Todd Young, vẫn chỉ trích những hành động mà họ cho là vi phạm nhân quyền ở Ấn Độ dưới thời Modi.
Trong khi đó, không một chính trị gia nổi tiếng nào của Nga chỉ trích Ấn Độ (có lẽ là trừ nhà độc tài Ramzan Kadyrov ở Chechnya). Nga sẽ coi Kashmir cũng như cách đối xử với người Hồi giáo ở Ấn Độ là các vấn đề nội bộ, và sẽ bảo vệ Ấn Độ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và mối quan hệ này cứ thế được duy trì.
Dù không đạt được những con số ấn tượng về thương mại, Ấn Độ và Nga vẫn có thể hợp tác cùng nhau trong một số ngành công nghiệp cụ thể như ngành năng lượng. Và có lẽ lĩnh vực tiêu biểu nhất cho quan hệ Nga-Ấn là buôn bán kim cương: Hoạt động khai thác kim cương ở vùng Viễn Đông là lĩnh vực có một không hai mà ở đó chỉ Nga và Ấn Độ mới có thể hỗ trợ lẫn nhau. Các mỏ kim cương nằm ở vùng Viễn Đông của Nga; nhưng những người biết cách mài giũa chúng lại ở Ấn Độ (chính vì thế, 90% lượng kim cương trên thế giới đều đi qua Ấn Độ, đặc biệt là bang Gujarat – quê hương của Modi).
Hơn nữa và quan trọng nhất là mặc dù mối quan hệ hợp tác thương mại giữa hai bên vẫn không được như mong muốn, nhưng không thể đánh giá tầm quan trọng của Nga dựa trên giá trị kinh doanh. P.S. Raghavan, một cựu Đại sứ Ấn Độ khác tại Nga đã nói: “Khi nói rằng Nga không mấy quan trọng, người ta hẳn đã không nhìn vào bản đồ thế giới. Địa lý quyết định các mối quan hệ có tốt đẹp hay không. Mỹ là một cường quốc xa xôi”.
Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức tại Sochi vào tháng 5/2018. (Nguồn: Getty)
Người ta có thể nói thêm rằng bất chấp sự hợp tác quân sự hiện thời với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản trong khuôn khổ cái được gọi là nhóm Bộ Tứ (Quad), Mỹ vẫn là một đồng minh mà chiếc ô an ninh của họ rất có thể sẽ chuyển hướng do nhiều mối quan tâm khác.
Cả Ấn Độ lẫn Nga đều không muốn trở thành đối tác thứ yếu đối với Trung Quốc hay với Mỹ. Một cách có thể giúp họ tránh được kết quả đó là nhắc nhở Mỹ và Trung Quốc, cũng như các nước khác trên thế giới, rằng họ có thể quay trở lại hỗ trợ lẫn nhau. Sau những căng thẳng gần đây với Trung Quốc, Ấn Độ có thể muốn ngả hoàn toàn sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu dựa vào những sự kiện trong quá khứ và những dấu hiệu hiện tại, thì họ sẽ không từ bỏ mối quan hệ với Nga.
Năm 1971 đã là dĩ vãng. Mối quan hệ này có thể không bền chặt hoặc không tiêu tốn nhiều thời gian và nỗ lực như trước đây, và chắc chắn chi tiêu quốc phòng hay ngay cả mối quan hệ văn hóa giữa hai nước cũng sẽ không còn như xưa.
Tuy vậy, năm 1971 cũng đã trôi vào dĩ vãng đối với các nước khác trên thế giới. Bối cảnh hiện nay là một nước Mỹ dưới quyền Trump và một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Và cả Ấn Độ lẫn Nga đều không cần quay trở lại năm 1971 để có thể duy trì quan hệ như trước đây – một mối quan hệ mang lại lợi ích lâu dài và không thể thay thế.