Nga cắt giảm xuất khẩu thực phẩm sang các nước phương Tây

Bộ trưởng Nông nghiệp Dmitry Patrushev tiết lộ hôm thứ Tư (27/9) rằng Nga đã cắt giảm đáng kể xuất khẩu các nông sản sang các quốc gia 'không thân thiện' đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước này.

Theo quan chức này, Moscow đã giảm 2,6 tỷ USD giá trị sản phẩm nông nghiệp của mình cho các nước phương Tây vào năm ngoái, đồng thời tăng nguồn cung (thêm 2,7 tỷ USD) cho các nước trung lập và thân thiện - những nước chưa tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Ông nói tại một diễn đàn ngành đánh cá: “Xuất khẩu nông sản, bao gồm cả xuất khẩu cá, ngày nay chủ yếu hướng tới các nước thân thiện”. Bộ trưởng nói thêm rằng do “tình hình địa chính trị”, Nga buộc phải chuyển hướng thương mại nông sản và sẽ “tiếp tục làm như vậy trong tương lai”.

 Ảnh minh họa: RT.

Ảnh minh họa: RT.

Về chủ đề xuất khẩu cá, ông Patrushev lưu ý rằng bất chấp những hạn chế của phương Tây, Nga đã tăng nguồn cung hải sản lên 4% vào năm ngoái. Số lượng quốc gia nhập khẩu cũng tăng từ 60 vào năm 2022 lên 80 trong năm nay khi Moscow tìm cách đa dạng hóa đối tác thương mại và mở rộng sang các thị trường mới.

Xuất khẩu nông sản của Nga đạt tổng trị giá 41,6 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt 42 tỷ USD trong năm nay.

Theo số liệu từ cơ quan hải quan nước này công bố trong tháng này, xuất khẩu thực phẩm từ Nga đang tăng nhanh, trở thành nguồn thu ngân sách lớn thứ ba của đất nước sau dầu khí.

Trong khi đó, vào tháng 7/2023, tháng đầu tiên của niên vụ mới, nước này đã xuất khẩu 5,68 triệu tấn ngũ cốc, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ niên vụ trước.

Nga đã xuất khẩu 4,54 triệu tấn lúa mỳ, tăng 1,5 lần và là mức kỷ lục. Xuất khẩu lúa mạch tăng 2,6 lần và ước tính sơ bộ là 822.000 tấn, trong khi xuất khẩu ngô ở mức 319.400 tấn (tăng 40,7%).

Các chuyên gia Đức lưu ý rằng những kết quả ấn tượng của Nga trong xuất khẩu nông sản khác, đặc biệt là dầu thực vật, không thể hiện rõ đằng sau những thành công của ngũ cốc.

Những nước mua nhiều lúa mỳ nhất của Nga là Saudi Arabia với 578.000 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ (518.0000 tấn) và Ai Cập (467.0000 tấn). Ngoài ra, lượng hàng lớn cũng được giao cho Israel với 345.000 tấn, Bangladesh với 222.000 tấn.

Ngoài ra, các nước Mỹ Latinh đã trở thành những khách hàng mới mua lúa mỳ của Nga, với 62.000 tấn được bán cho Brazil, quốc gia nằm trong số 20 nước hàng đầu về xuất khẩu nông sản và 49.000 tấn đã được chuyển đến Peru. Tháng 7 năm trước, Brazil và Peru không nhập khẩu lúa mỳ của Nga.

Theo số liệu trên có thể thấy khả năng hậu cần để xuất khẩu nông sản đã được mở rộng. Nếu vào tháng 7/2022, Nga xuất khẩu lúa mỳ đến 26 quốc gia, thì năm nay lúa mỳ của Nga đã đến 33 quốc gia. Số cảng xếp ngũ cốc cũng tăng lên 48 so với 35 của năm ngoái.

Hơn nữa, việc vận chuyển hàng từ các cảng sông đang tăng lên. Nhìn chung, theo RGU, tiềm năng xuất khẩu của Nga trong niên vụ mới là 55-57 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 48-49 triệu tấn lúa mỳ.

Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, trong niên vụ 2023/24 kéo dài từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024, Nga có thể xuất khẩu tới 55 triệu tấn ngũ cốc.

Trong niên vụ trước, Nga đã xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có khoảng 47 triệu tấn lúa mỳ, một kỷ lục của nước này. Các chuyên gia hy vọng vị thế của các nhà xuất khẩu Nga sẽ được cải thiện do sự đổ vỡ của "thỏa thuận ngũ cốc".

Điệp Nguyễn (Theo RT)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-cat-giam-xuat-khau-thuc-pham-sang-cac-nuoc-phuong-tay-post266578.html