Nga có thể vận hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trong năm 2021
Các chuyên gia cho rằng, đến giữa năm 2021, Gazprom có thể hoàn thành việc xây dựng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và bắt đầu vận hành tuyến đường ống khí đốt vào cuối năm.
Hồi tuần trước Nord Stream 2 AG - nhà thầu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, thông báo việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt của Nga chính thức được nối lại vào ngày 11/12 bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo người phát ngôn Nord Stream 2 AG, tàu Fortuna của Nga đã "đặt một đoạn đường ống dài 2,6km trong vùng đặc quyền kinh tế của Đức - vùng biển có độ sâu dưới 30m.
Dự kiến, phần tuyến đường ống tại vùng đặc quyền kinh tế của Đức sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Sau đó, việc xây dựng đoạn cuối cùng của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được triển khai tại khu vực lãnh hải của Đan Mạch. "Về mặt lý thuyết, việc hoàn thành xây dựng có thể vào cuối quý I/2021” – chuyên gia Dmitry Marinchenko của tập đoàn Fitch cho biết.
Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Sergey Pravosudov cho rằng, việc hoàn thành phần tuyến đường ống còn dang dở có thể kéo dài trong 6 tháng.
Các nhà phân tích cho biết tiến độ thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể bị ảnh hưởng bởi các cơn bão ở Biển Baltic vào mùa đông và việc tàu Nga chưa có nhiều kinh nghiệm đối với các dự án lắp đặt tuyến đường ống khí đốt lớn. Theo ông Pravosudov, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể bắt đầu đưa vào vận hành trong quý IV/2021, sau khi hoàn tất các thử nghiệm đường ống.
Chuyên gia Marinchenko của Fitch cũng cho rằng có khả năng tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang Đức sẽ được đưa vào vận hành trong năm tới.
Theo tập đoàn Nord Stream 2 AG, chỉ có 6% đường ống còn lại sẽ được hoàn thành, tức là 120 km ở vùng biển Đan Mạch và 30 km ở vùng biển của Đức.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt liên quan dự án nói trên. Dự án hiện chỉ còn khoảng 6% trong tổng chiều dài 1.200 km của đường ống còn dang dở. Dự án Dòng chảy Phương Bắc đã bị hoãn từ cuối năm 2019 do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic cũng phản đối quyết liệt đường ống này, vì lo ngại dự án sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Dự án là sự liên kết giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga với 5 tập đoàn châu Âu: Engie của Pháp, Uniper và Wintershall của Đức, OMV của Áo và Shell (Anh-Hà Lan)./.