Nga cùng các nước GECF bàn về thị trường khí đốt

Vào thứ sáu tuần này, các nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu đã họp tại Algeria. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thị trường năng lượng đang trong tình trạng căng thẳng kéo dài kể từ khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, và dự kiến nhu cầu về nhiên liệu sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Hội nghị cấp Bộ trưởng giữa đại diện các nước thành viên Diễn đàn Các nước Xuất khẩu Khí đốt (GECF). Ảnh AFP

Hội nghị cấp Bộ trưởng giữa đại diện các nước thành viên Diễn đàn Các nước Xuất khẩu Khí đốt (GECF). Ảnh AFP

Sáng 1/3, Hội nghị cấp Bộ trưởng giữa đại diện các nước thành viên Diễn đàn Các nước Xuất khẩu Khí đốt (GECF) đã diễn ra tại Algieria. Đây là hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh GECF sắp tới, dự kiến sẽ có sự tham dự của ông Abdelmadjid Tebboune (Tổng thống Algeria), ông Ebrahim Raïssi (Tổng thống Iran) và ông Tamim bin Hamad Al Thani (Quốc vương Qatar).

GECF được thành lập vào năm 2001, có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Algeria, Qatar, Nga, Iran, Bolivia, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Libya, Nigeria, Trinidad và Tobago, Venezuela và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Theo tổ chức này, các quốc gia thành viên và bảy quốc gia liên kết khác chiếm 70% trữ lượng khí đốt đã được xác minh và 51% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu trên toàn cầu.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp cấp bộ trưởng, ông Mohamed Arkab, Bộ trưởng Năng lượng Algeria đã nhấn mạnh: “Đầu tư vào khí đốt tự nhiên cần một nguồn vốn lớn. Việc đó đòi hỏi nhà sản xuất và người tiêu dùng phải liên tục đối thoại một cách nghiêm túc để cùng nhau xây dựng tầm nhìn chung cho tương lai. Tầm nhìn này phải thừa nhận về vai trò ngày càng gia tăng của khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, là nguồn năng lượng bền vững và cạnh tranh, đảm bảo an ninh năng lượng”.

Trong bản tóm tắt báo cáo thường niên của “Global Gas Outlook 2050” được công bố vào thứ năm, GECF dự đoán rằng khí đốt tự nhiên "sẽ tiếp tục là thứ không thể thiếu trong nhiều thập kỷ".

"Đến năm 2050, nhu cầu khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ tăng 34%, góp phần gia tăng đáng kể thị phần của nó trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, từ mức 23% hiện nay lên 26%".

Trong báo cáo quý mới nhất được công bố vào tháng 1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ “tăng trưởng mạnh mẽ" trong năm 2024 so với năm 2023, do ảnh hưởng bởi dự báo về thời tiết lạnh hơn và giá khí đốt giảm.

Thị trường khí đốt đã trong tình trạng căng thẳng kể từ khi phục hồi sau đại dịch Covid vào cuối năm 2021 và thậm chí còn trở nên tệ hơn khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Sự kiện này đã thúc đẩy việc nhập khẩu LNG bằng đường biển, đặc biệt là từ Mỹ, nhằm bù đắp cho tình trạng giảm mạnh lượng khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống đến châu Âu.

Algeria là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi. Nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp để giảm sự phụ thuộc vào hydrocarbon của Nga, nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Ý, đã chuyển sang sử dụng khí đốt của Algeria.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nga-cung-cac-nuoc-gecf-ban-ve-thi-truong-khi-dot-706566.html