Nga đối mặt với thử thách kinh tế khi Trung Quốc có thể ngừng hỗ trợ

Nga đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế khi nguồn cung Nhân dân tệ từ Trung Quốc cạn dần sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc hiện đang là đồng tiền ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Nga. Tuy nhiên, sự sẵn có của nó trong một quốc gia bị cấm vận nặng nề như Nga có thể sớm cạn kiệt, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các doanh nghiệp Nga vốn đang phụ thuộc rất lớn vào đồng NDT khi thương mại với Trung Quốc gia tăng đáng kể sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine năm 2022. Cuộc chiến này đã kéo theo các lệnh trừng phạt từ phương Tây, khiến Nga gần như bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 5. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 5. Ảnh: Getty Images

Vào tháng 6 vừa qua, Mỹ đã mở rộng các lệnh trừng phạt, buộc Sở giao dịch chứng khoán Moscow và đơn vị thanh toán bù trừ của họ phải ngừng giao dịch bằng đồng đô la và euro. Một giấy phép từ Bộ Tài chính Mỹ cho phép các giao dịch còn lại được kết thúc sẽ hết hạn vào ngày 12/10.

Nga đã chuyển hướng khỏi các loại tiền tệ phương Tây và ưu tiên sử dụng đồng NDT, các biện pháp trừng phạt bổ sung từ Mỹ có thể gây tác động dây chuyền đến các ngân hàng Trung Quốc đang thực hiện giao dịch NDT với Nga. Một nguồn tin nói với Reuters rằng: “Tình hình có thể thay đổi sau ngày 12/10. Việc thiếu hụt đồng NDT hoặc các ngân hàng Trung Quốc từ chối thanh toán cho Nga là điều có thể xảy ra.”

Lý do là bởi mọi hoạt động chuyển đổi tiền tệ, bao gồm cả với các công ty con của ngân hàng Trung Quốc, sẽ dừng lại. Các vị thế ngoại tệ mở thông qua Sở giao dịch chứng khoán Moscow cũng sẽ bị đóng lại. Điều này khiến nguồn cung thanh khoản NDT tại Nga trở nên càng khó khăn hơn, theo nguồn tin từ Reuters.

Thêm vào đó, chi nhánh của Ngân hàng Raiffeisen Áo tại Nga cũng đã ngừng thực hiện thanh toán sang Trung Quốc từ đầu tháng này. Thanh khoản NDT tại Nga đã bị thắt chặt hơn sau khi Mỹ mở rộng định nghĩa về ngành công nghiệp quân sự của Nga hồi đầu năm nay, khiến nhiều công ty Trung Quốc có nguy cơ bị áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp nếu họ tiếp tục hợp tác với Moscow.

Kết quả là các ngân hàng Trung Quốc ngày càng ngần ngại trong việc chuyển NDT cho các đối tác Nga trong khi phải xử lý các khoản thanh toán thương mại quốc tế, khiến nhiều giao dịch bị đình trệ trong nhiều tháng. Khi thanh khoản NDT từ Trung Quốc cạn kiệt, các công ty Nga đã phải tìm đến Ngân hàng Trung ương Nga để vay NDT thông qua các hợp đồng hoán đổi tiền tệ.

Tuy nhiên, hy vọng về nguồn cung thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương Nga cũng bị dập tắt khi ngân hàng này khẳng định rằng các hợp đồng hoán đổi chỉ được sử dụng để ổn định thị trường tiền tệ trong nước trong ngắn hạn, và không phải là nguồn tài trợ dài hạn. Lượng vay hoán đổi của các ngân hàng Nga đã giảm hơn một nửa, xuống còn 15,4 tỷ NDT (tương đương 2,19 tỷ USD) vào hôm thứ Tư, so với mức cao nhất là 35,2 tỷ NDT vào đầu tháng 9, theo Reuters.

“Tôi không thể cho vay bằng NDT, vì chúng tôi không có gì để bù đắp cho các vị thế ngoại tệ của mình” - ông German Gref, Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Nga, Sberbank, chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế hồi đầu tháng này.

Hiện tại, chi tiêu cho chiến tranh và xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp duy trì sự ổn định cho nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa việc các nhà máy hoạt động liên tục và tình trạng thiếu lao động do lệnh huy động quân sự đã đẩy lạm phát lên cao hơn. Đồng thời, Nga cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số trầm trọng.

Các nhà nghiên cứu do Jeffrey Sonnenfeld của Đại học Yale dẫn đầu đã cảnh báo vào tháng 8 rằng các số liệu GDP có vẻ lạc quan chỉ đang che giấu những vấn đề sâu sắc hơn trong nền kinh tế. “Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng mở rộng, người tiêu dùng Nga ngày càng gánh thêm nợ, điều này có thể đặt nền móng cho một cuộc khủng hoảng đang đến gần,” họ viết. “Sự tập trung quá mức vào chi tiêu quân sự đang làm giảm đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế khác, kìm hãm triển vọng tăng trưởng dài hạn và sự đổi mới”.

Nhìn chung, tình trạng cạn kiệt đồng NDT tại Nga đang làm dấy lên lo ngại lớn không chỉ về khả năng duy trì hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, mà còn về mối quan hệ thương mại Nga - Trung trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng siết chặt.

Dũng Phan (Theo Fortune)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-doi-mat-voi-thu-thach-kinh-te-khi-trung-quoc-co-the-ngung-ho-tro-post314755.html