Nga muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng

Các vấn đề công nghệ, kỹ thuật trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng đang được xem xét trong một dự án nghiêm túc, nhằm cung cấp điện cho các khu định cư của con người trên Mặt trăng trong tương lai.

Nga đang xem xét việc lắp đặt một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng vào khoảng năm 2033-2035, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), Yuri Borisov, nói hôm 5/3.

Ông Borisov cho biết, dự án là hoạt động hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc trong chương trình Mặt trăng, trong đó Moscow có thể đóng góp chuyên môn về năng lượng vũ trụ hạt nhân.

“Hiện chúng tôi đang xem xét nghiêm túc một dự án, vào khoảng năm 2033-2035, nhằm cung cấp và lắp đặt một bộ nguồn trên bề mặt Mặt trăng cùng với các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng tôi.”, ông Borisov nói, nhấn mạnh, nguồn năng lượng này sẽ phục vụ cho các khu định cư trên Mặt trăng của con người trong tương lai..

Ông Borisov cho rằng, các tấm pin mặt trời sẽ không thể cung cấp đủ điện cho các khu định cư trên Mặt trăng trong tương lai, trong khi năng lượng hạt nhân thì có thể.

“Đây là một thách thức rất lớn… nó phải được thực hiện ở chế độ tự động, không có sự hiện diện của con người”, người đứng đầu Roscosmos nói.

 Tổng thống Nga Putin, Phó Thủ tướng Manturov và Tổng Giám đốc Roscosmos Borisov thăm Tập đoàn Tên lửa vũ trụ Energia ở Korolyov, Moscow, Nga, ngày 26/10/2023. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Putin, Phó Thủ tướng Manturov và Tổng Giám đốc Roscosmos Borisov thăm Tập đoàn Tên lửa vũ trụ Energia ở Korolyov, Moscow, Nga, ngày 26/10/2023. Ảnh: Reuters.

Ông Borisov cũng tiết lộ kế hoạch của Nga trong việc chế tạo tàu vũ trụ vận tải chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông cho biết, công nghệ cần thiết cho việc phát triển hạt nhân trên Mặt trăng, cũng như các vấn đề kỹ thuật liên quan đến dự án gần như đã được giải quyết, ngoại trừ rào cản cuối cùng là giải pháp làm mát lò phản ứng hạt nhân.

“Chúng tôi thực sự đang làm việc trên một chiếc tàu kéo không gian. Cấu trúc khổng lồ này có thể nhờ lò phản ứng hạt nhân và tua-bin công suất cao... để vận chuyển hàng hóa lớn từ quỹ đạo này sang quỹ đạo khác, thu thập các mảnh vụn không gian và tham gia vào nhiều hoạt động khác.”, ông Borisov nói.

Ý tưởng sử dụng lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các khu định cư trên Mặt trăng trong tương lai cũng đã được cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đưa ra.

Chỉ vài tháng sau sứ mệnh Apollo 11 đưa con người lên mặt trăng vào năm 1969, các phi hành gia của tàu Apollo 12 đã sử dụng máy phát điện hạt nhân để cung cấp điện cho các thí nghiệm khoa học trên bề mặt Mặt trăng.

 Mô hình trạm vũ trụ của Nga trên Mặt trăng. Ảnh: Getty.

Mô hình trạm vũ trụ của Nga trên Mặt trăng. Ảnh: Getty.

Với thực tế đêm trên Mặt trăng kéo dài 14 ngày Trái đất, việc chỉ dựa vào năng lượng mặt trời mang đến rủi ro cho cả sứ mệnh Mặt trăng có người lái và không người lái.

Vấn đề cung cấp năng lượng trong không gian ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi NASA theo đuổi kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng trong sứ mệnh Artemis, với cuộc đổ bộ đầu tiên được lên kế hoạch vào năm 2026.

Năm 2021, NASA thông báo việc hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ để tìm kiếm các đề xuất cho một hệ thống năng lượng hạt nhân có thể sẵn sàng phóng lên Mặt trăng vào cuối thập kỷ này.

Ý tưởng đưa ra là xây dựng một lò phản ứng hạt nhân chạy bằng uranium có thể đặt vừa bên trong một tên lửa 4 x 6 m.

Theo tuyên bố từ Phòng thí nghiệm quốc gia Idaho (INL) của Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày 19/11/2021, nói INL đang hợp tác với NASA để đưa một lò phản ứng phân hạch bền vững, công suất cao, không phụ thuộc vào Mặt trời lên Mặt trăng trong vòng 10 năm tới.

 Minh họa về căn cứ cố định trên Mặt trăng của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Nguồn: ESA/Foster + Partners.

Minh họa về căn cứ cố định trên Mặt trăng của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Nguồn: ESA/Foster + Partners.

Vấn về nguồn điện trên Mặt trăng được đưa ra trong bối cảnh một số nhà quan sát gọi là cuộc chạy đua không gian mới, giữa một bên là Mỹ và các đồng minh và một bên là Nga và Trung Quốc.

Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner cáo buộc Nga đang tìm cách triển khai một hệ thống đánh chặn tên lửa trong không gian, có thể mang đầu đạn hạt nhân, để tăng cường khả năng chống vệ tinh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp lại rằng, Washington đang sử dụng những thông tin giả để lôi kéo Moscow vào cuộc đàm phán về việc hạn chế vũ khí trên không gian.

Ông Borisov khẳng định, Nga không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian.

Sứ mệnh trở lại Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm đã không thành công vào năm ngoái sau khi tàu vũ trụ Luna-25 mất kiểm soát và bị rơi.

Moscow cho biết họ sẽ triển khai thêm các sứ mệnh Mặt trăng và sau đó khám phá khả năng thực hiện sứ mệnh chung với đối tác và thậm chí là xây dựng căn cứ trên Mặt trăng.

Văn Phong/RT, Reuters

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/nga-muon-xay-dung-nha-may-dien-hat-nhan-tren-mat-trang-154330.html