Nga: Nếu phương Tây hỗ trợ Ukraine, tại sao Triều Tiên không thể hỗ trợ Nga?
Trong ngày thứ Tư, đặc phái viên của Nga tại LHQ đã đưa ra câu hỏi vì sao đồng minh của quốc gia này như Triều Tiên không thể hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine khi các nước phương Tây nắm quyền hỗ trợ Kyiv.
Ông Vassily Nebenzia đã đối mặt với những tranh cãi tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an từ phía Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ukraine và các nước khác, sau khi các quốc gia này cáo buộc Nga đã vi phạm nhiều nghị quyết LHQ và Hiến chương LHQ sau khi binh lính Triều Tiên được điều động tới hỗ trợ Moscow.
Đại sứ của Hàn Quốc tại LHQ Joonkook Hwang phát biểu: "Hành động hỗ trợ hành vi gây hấn là hành động vi phạm nguyên tắc của Hiến chương LHQ và là hành động phi pháp. Mọi hoạt động liên quan tới việc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) điều động binh lính tới Nga đều là hành động vi phạm nhiều Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ".
Trong ngày thứ Tư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết khoảng 10.000 binh lính Triều Tiên đã có mặt tại miền Đông Nga và có thể sẽ được sử dụng để hỗ trợ hoạt động chiến đấu tại vùng Kursk của Nga giáp với Ukraine.
Ông Nebenzia khẳng định, các hợp tác quân sự của Nga với Triều Tiên không vi phạm luật pháp quốc tế. Nga chưa phủ nhận việc binh lính Triều Tiên có liên quan trong cuộc chiến tại Ukraine, một cuộc chiến diễn ra từ đầu năm 2022 tới nay.
"Ngay cả khi những khẳng định về việc Nga và Triều Tiên hợp tác là có thật, vì sao Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt logic sai lầm của họ lên các quốc gia khác, rằng họ có quyền ủng hộ bộ máy Ukraine… nhưng đồng minh của Nga không có quyền hỗ trợ Nga".
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya phản hồi: "Không quốc gia nào hỗ trợ cho Ukraine bị áp đặt lệnh cấm từ Hội đồng Bảo an".
"Việc nhận được hỗ trợ từ Triều Tiên, một quốc gia bị cấm vận hoàn toàn, là hành vi vi phạm Hiến chương LHQ. Việc gửi binh lính Triều Tiên tới hỗ trợ cuộc chiến của Nga nhằm vào Ukraine là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn".
Triều Tiên đã bị cấm vận bởi Hội đồng Bảo an LHQ từ năm 2006 tới nay và những biện pháp cấm vận đã ngày càng trở nên nghiêm trọng nhằm ngăn chặn hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên không thừa nhận việc điều động binh lính tới Nga, nhưng khẳng định những quyết định đó nếu được đưa ra đều sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Song Kim cho biết: "Nếu quyền tự trị và nền an ninh của Nga bị đe dọa bởi những hành động nguy hiểm từ Mỹ và các nước phương Tây, và nếu chúng tôi nhìn nhận cần phải có biện pháp phản hồi, chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định cần thiết".
"Bình Nhưỡng và Moscow tiếp tục giữ vững liên lạc chặt chẽ về an ninh chung và tiến triển của tình hình".
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)