Nga 'nói đỡ' cho Triều Tiên, Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc tính cách phản ứng nhanh hơn với các vụ thử tên lửa

Ngày 8/3, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov đã kêu gọi nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để thuyết phục Bình Nhưỡng tham gia đối thoại về vấn đề hạt nhân.

Một tên lửa được trưng bày trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào ngày 8/2. (Nguồn: KCNA)

Một tên lửa được trưng bày trong cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào ngày 8/2. (Nguồn: KCNA)

Đăng tải trên kênh Telegram của phái bộ, ông Ulyanov nói: "Triều Tiên cần những khuyến khích thiết thực để tham gia các cuộc đàm phán".

Theo ông, cần đáp lại những hành động mang tính xây dựng bằng cách nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt, theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, "vốn không được các thành viên phương Tây trong Hội đồng thực hiện đầy đủ".

Nhà ngoại giao Nga lưu ý: "Mặc dù Mỹ phô trương việc sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên song không thấy bước đi thực tế nào. Thay vì bình thường hóa quan hệ, xây dựng lòng tin và thảo luận về đảm bảo an ninh với Bình Nhưỡng, Washington lại gia tăng hiện diện trong khu vực này".

Liên quan tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang sắp xếp tổ chức các cuộc đàm phán quốc phòng ở cấp chuyên viên tại Washington vào giữa tháng 4 tới để mở đường cho hoạt động chia sẻ thông tin theo thời gian thực về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp ba bên đầu tiên của các quan chức quốc phòng cấp cao Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ kể từ tháng 5/2020.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA), qua đó cho phép 2 đồng minh này của Mỹ có thể trực tiếp chia sẻ thông tin tình báo quân sự. Trong khi đó Washington cũng thiết lập hệ thống phản ứng nhanh riêng rẽ cả với Tokyo và Seoul.

Dù vậy, hiện vẫn chưa có cơ chế để hai quốc gia Đông Bắc Á trao đổi thông tin ngay lập tức về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Về mặt địa lý, Nhật Bản rất khó có được thông tin ngay lập tức về địa điểm phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, trong khi khả năng của Hàn Quốc đánh giá về vị trí tên lửa rơi tương đối hạn chế.

Các chuyên gia đối ngoại nhận định nếu Tokyo, Seoul và Washington có thể trao đổi thông tin quân sự theo thời gian thực, ba nước đồng minh sẽ có thể cải thiện công nghệ đánh chặn, từ đó nâng cao năng lực phòng vệ.

(theo Sputnik, Kyodo)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-noi-do-cho-trieu-tien-my-nhat-ban-han-quoc-tinh-cach-phan-ung-nhanh-hon-voi-cac-vu-thu-ten-lua-219250.html