Nga nối lại Dòng chảy phương Bắc 1, EU đã có thể 'thở phào nhẹ nhõm'?

Đúng hẹn, ngày 21/7, Nga khởi động lại việc cung cấp khí đốt tự nhiên dọc theo đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đến châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 1, huyết mạch chính dẫn khí đốt của Nga đến EU đã hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì. (Nguồn: Bloomberg)

Dòng chảy phương Bắc 1, huyết mạch chính dẫn khí đốt của Nga đến EU đã hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì. (Nguồn: Bloomberg)

Hành động của Moscow khiến Liên minh châu Âu (EU) bớt lo quốc gia này sẽ khóa van khí đốt, khiến khối 27 thành viên phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng và một số quốc gia rơi vào suy thoái.

Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cung cấp khoảng 35% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021. Từ ngày 11-21/7, đường ống tạm dừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì định kỳ.

Các quan chức lo ngại rằng, Gazprom, công ty năng lượng nhà nước của Nga, sẽ tận dụng cơ hội này để cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho EU để trả đũa các lệnh trừng phạt mà khối này áp đặt lên Moscow.

Lo ngại của châu Âu là có cơ sở. Trong những tuần gần đây, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt đến một số nước châu Âu với lý do các quốc gia này từ chối thanh toán bằng đồng Ruble.

Nhưng khí đốt đã chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 với 40% tổng công suất vào ngày 21/7. Đó là mức tương tự với trước khi đường ống này tạm ngừng để bảo trì.

Tháng 6/2022, Nga đã cắt giảm 2/3 lượng giao khí đốt cho châu Âu với lý do phương Tây đã giữ lại các tuabin quan trọng của Dòng chảy phương Bắc vì các lệnh trừng phạt.

Các tuabin đó hiện đang trên đường trở về Nga.

Thông tin rằng Nga đã tái khởi động các lô hàng đã mang lại sự an ủi cho thị trường khí đốt châu Âu.

Theo dữ liệu từ Intercontinental Exchange, giá chuẩn khí đốt - đã tăng 70% kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu đã giảm trở lại, xuống còn 148 Euro Megawatt/giờ.

Tối đa hóa doanh thu

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA), châu Âu là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga vào năm 2021. Do đó, Điện Kremlin có thể muốn “tận thu” khi có thể, trước khi EU cắt giảm đáng kể hàng nhập khẩu vào cuối năm nay.

Vào tháng 5/2022, EU nhất trí cắt giảm tiêu thụ 66% khí đốt Nga trước cuối năm nay và thoát hoàn toàn sự phụ thuộc Moscow vào năm 2027.

Kaushal Ramesh, nhà phân tích cao cấp về khí đốt và LNG tại Rystad Energy nhận định: “Nga có thể giữ cho khí đốt lưu thông ngay bây giờ để tối đa hóa doanh thu, trước khi EU rời bỏ khí đốt Nga hòa toàn”.

Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt cũng là một lợi ích cho Moscow.

Đầu tuần này, IEA cho hay, kể từ cuối tháng 2/2022, doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu của Nga đã tăng gấp đôi so với mức trung bình của những năm gần đây, đạt 95 tỷ USD.

Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA tiết lộ: “Trong 5 tháng qua, doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đã tăng gần gấp ba lần”.

Tuy nhiên, Tập đoàn Eurasia dự đoán, lượng khí đốt của Nga đến châu Âu sẽ giảm 40% trong cả năm 2022. Ngay cả khi Dòng chảy phương Bắc hoạt động trở lại bình thường, Moscow vẫn có thể cắt nguồn cung ở một số quốc gia châu Âu.

Theo Eurasia, chiến lược này có thể vừa gây thiệt hại kinh tế cho châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt, vừa tạo ra doanh thu cho Moscow.

Châu Âu vẫn đang gặp nguy hiểm

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, viễn cảnh về việc Nga dừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt là một "kịch bản có thể xảy ra".

Một động thái như vậy sẽ gây ra thảm họa cho khu vực, khi quốc gia 27 thành viên cố gắng lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt trước mùa Đông. Các kho lưu trữ hiện ở mức gần 65% công suất.

"Tình hình ở châu Âu vẫn còn nguy hiểm. Mùa Đông năm nay có thể trở thành một bài kiểm tra lịch sử về sự đoàn kết của châu Âu - một bài kiểm tra không thể thất bại" - Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA.

Để đề phòng tình huống này, EU đã công bố kế hoạch phân bổ khí đốt khẩn cấp vào ngày 20/7.

Trong kế hoạch, các quan chức đã đề xuất 27 quốc gia EU giảm nhu cầu khí đốt.

Theo nhà kinh tế Bruegel, châu Âu đã cố gắng giảm tỷ lệ cung cấp khí đốt của Nga từ 40% năm ngoái xuống chỉ còn 20% vào tháng 6/2022. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã cắt giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống 35%.

Khối cũng đang chạy đua để tìm nguồn cung thay thế khi ký kết các thỏa thuận cung cấp mới và tăng cường sản lượng và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy.

Nhưng Giám đốc IEA Birol nhấn mạnh: “Tình hình ở châu Âu vẫn còn nguy hiểm. Mùa Đông năm nay có thể trở thành một bài kiểm tra lịch sử về sự đoàn kết của châu Âu - một bài kiểm tra không thể thất bại”.

(theo CNN)

Đức Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-noi-lai-dong-chay-phuong-bac-1-eu-da-co-the-tho-phao-nhe-nhom-191811.html