Nga phản ứng khi Mỹ nói có liên quan vụ thử tên lửa Triều Tiên
Vụ phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật mới của Triều Tiên hôm 4-5 diễn ra chỉ chín ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6-5 nói rằng việc gắn vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga là điều sai lầm.
"Việc đưa ra mối liên hệ như vậy là hoàn toàn sai lầm, rõ ràng là như vậy" – hãng thông tấn TASS ngày 6-5 dẫn lời ông Peskov.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn hôm 5-5, đề cập mối liên hệ giữa vụ phóng tên lửa dẫn đường chiến thuật mới của Triều Tiên hôm 4-5 diễn ra chỉ chín ngày sau chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ngày 4-5, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một số tên lửa tầm ngắn theo hướng ra biển Nhật Bản. Các tên lửa bay được 70- 200 km và rơi xuống biển.
Một ngày sau, tức 5-5, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA xác nhận Bình Nhưỡng ngày 4-5 đã tiến hành một "cuộc diễn tập tấn công" sử dụng các hệ thống phóng đa nòng và vũ khí hành trình chiến thuật ở vùng biển phía Đông nước này dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
KCNA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tăng cường khả năng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền chính trị và tự cường kinh tế" của Triều Tiên trước các nguy cơ.
Hơn một tuần trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên hôm 25-4 ở TP cảng Vladivostok (Nga). Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về mối quan hệ song phương và triển vọng quan hệ trong tương lai, cũng như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề giải trừ hạt nhân.
Sau thượng đỉnh, Tổng thống Putin nhận xét ông Kim Jong-un là người thú vị, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên mô tả cả hai đã có cuộc trao đổi rất thực chất.
Bức ảnh “triệu tấm có một”
Đó là nhận xét của chuyên gia Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến hạt nhân Đông Á tại Viện Middlebury sau khi một hình ảnh vệ tinh được công bố gần đây về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, theo đài CNN ngày 6-5. Bức ảnh bắt được khoảnh khắc vệt khói của tên lửa do Triều Tiên phóng đi.
“Vị trí vụ phóng, độ dày của vệt khói và thực tế là chỉ có một vệt dấu vết tên lửa cho thấy vũ khí được phóng ra là tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên từng nhắc tới trong các hoạt động tuyên truyền của họ”, ông Lewis đưa ra nhận định thông qua bức ảnh vệ tinh.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ nói với CNN rằng theo những đánh giá ban đầu, vụ phóng có cả hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) và có thể có tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Theo chuyên gia Lewis, Triều Tiên bắt đầu phóng ra tên lửa này vào khoảng 9 giờ 06 ngày 4-5 (giờ địa phương). Vào khoảng 10 giờ cùng ngày, Triều Tiên lại phóng tiếp một vật thể bay khác. Bức ảnh chụp vệt khói tên lửa được Planet Labs, đơn vị hợp tác với viện Middlebury, chụp lại.
“Đây là bức ảnh “triệu tấm có một”. Tên lửa được phóng vào ngay lúc này và bức ảnh đã được chụp từ vài giây tới vài phút khi vụ việc diễn ra”, ông Lewis cho hay.
Theo ông, Triều Tiên trong thời gian tới có thể sẽ thực hiện thêm các vụ thử khác với quy mô lớn hơn trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington không đạt được nhiều tiến bộ.
Trả lời trên ABC News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết tên lửa mà Triều Tiên phóng đi “dường như có tầm ngắn”, “rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên”, và không gây nguy hiểm cho Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Ông Pompeo bày tỏ lạc quan, nói rằng Mỹ vẫn tin sẽ có cơ hội để đạt được sự phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng, rằng phía Mỹ hy vọng “chúng tôi có thể trở lại bàn đàm phán và tìm ra hướng đi kế tiếp”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ thêm rằng Washington vẫn liên lạc với các đại diện của Bình Nhưỡng sau khi thượng đỉnh ở Việt Nam sụp đổ.