Nga quyết định rút khỏi dự án ISS sau năm 2024

Nga sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS đối với các đối tác nước ngoài, nhưng quyết định rời trạm sau năm 2024 đã được đưa ra, Sputnik đưa tin.

Theo Sputnik, thông tin trên được người đứng đầu mới của Roscosmos Yuri Borisov cho biết trong một báo cáo gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cảnh trên ISS nhìn từ tàu “Soyuz”

Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov làm người đứng đầu Roscosmos - Cơ quan Vũ trụ của Nga, và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Boris chịu trách nhiệm các vấn đề từ phát triển hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS cho tới hợp tác kỹ thuật - quân sự của Nga với các quốc gia bên ngoài, dân phòng và tăng cường biên giới quốc gia.

“Ngài biết rằng chúng ta đang làm việc trong khuôn khổ hợp tác quốc tế tại Trạm vũ trụ quốc tế. Tất nhiên, chúng ta sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình với các đối tác, nhưng quyết định rời trạm sau năm 2024 đã được đưa ra”, ông Borisov nói.

Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS gồm hàng chục mô đun và cấu trúc hợp thành. Ảnh: NASA.

Ông Borisov cũng lưu ý rằng vào thời điểm đó Roscosmos sẽ bắt đầu hình thành trạm quỹ đạo của Nga.

Ông Borisov nói thêm rằng tương lai của các máy bay vũ trụ có người lái của Nga cần dựa trên một chương trình khoa học cân bằng và có hệ thống để mỗi chuyến bay làm giàu thêm kiến thức trong lĩnh vực vũ trụ cho đất nước.

Trạm quy đạo mới của Nga (ROSS) hiện đang được xúc tiến xây dựng và sẽ hoạt động trước khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nghỉ hưu.

Mô hình cấu trúc ban đầu Trạm quĩ đạo tương lai ROSS của Nga. Nguồn: aerotime

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos và Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia đã ký hợp đồng nhà nước trị giá gần 2,69 tỉ ruble (khoảng 41 triệu đô la), về việc lên ý tưởng thiết kế một Trạm dịch vụ quĩ đạo quốc gia trong tương lai. Tiến độ hợp đồng yêu cầu thời điểm hoàn thành vào ngày 31/3/2024.

Trạm ISS với cấu trúc đầu tiên Zarya (Bình minh), được phóng tháng 11/1998. Ban đầu, tuổi thọ của cấu trúc dự kiến chỉ là 15 năm so với tuổi của ISS hiện nay là 24 năm.

Tổ hợp nghiên cứu không gian đa quốc gia ISS với sự tham gia của nhiều cơ quan vũ trụ là Mỹ (NASA), châu Âu (ESA), Nhật Bản (JAXA), Canada (CSA) và Nga (Roscosmos), gồm hàng chục mô đun và bộ phận cấu thành được lắp ghép với nhau tạo thành một cấu trúc dài 73m, rộng 109m, tổng khối lượng hàng trăm tấn, bay trên quỹ đạo ở độ cao hơn 420km, tốc độ 27.600km/h.

Trên ISS, phân đoạn của Nga chiếm khoảng 1/4, chịu trách nhiệm điều hướng và kiểm soát toàn bộ trạm vũ trụ.

Sau hơn hai thập kỉ bền bỉ hoạt động, dưới tác động của bức xạ vũ trụ, rác không gian,... cũng như sự mỏi và lão hóa của vật liệu, ISS đang có những dấu hiệu bất ổn, bao gồm các vết nứt gần đây và rò rỉ không khí, hay rác không gian đâm thủng cánh tay robot của trạm,..

Năm 2020, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA thông báo rằng, từ góc độ kỹ thuật, ISS sẽ hoạt động cho đến năm 2028. Trong một thông báo vào rạng sáng ngày 1/1/2022, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết, Nhà Trắng đã đồng ý kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030.

Trước đó, Giám đốc điều hành Energia, Vladimir Solovyev, cảnh báo, ISS chắc chắn sẽ gặp những sự cố đối với nhiều hệ thống của nó sau năm 2024.

Nhật Minh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nga-quyet-dinh-rut-khoi-du-an-iss-sau-nam-2024-211032.html