Nga-Syria 'tất tay' đấu Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib: Vì sao 'người trong cuộc' như Iran lại im lặng kỳ lạ?

Giữa lúc Nga-Syria đang chuẩn bị giành lại Idlib, các lực lượng Iran lại thể hiện sự im lặng bất thường. Đã có những suy đoán cho rằng, Tehran không muốn chống lại lợi ích của Ankara.

Iran im lặng trước những diễn biến mới ở Syria gần đây.

Iran im lặng trước những diễn biến mới ở Syria gần đây.

Sự im lặng kỳ lạ của Iran

Hơn 8 năm kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, việc giải quyết những bất đồng ở hai khu vực chiến lược là Idlib và phía Đông sông Euphrates sẽ là cái kết cuối cùng mà Syria chờ đón.

Vào ngày 19/8 vừa qua, quân đội Syria đã đẩy lùi phiến quân ra khỏi thị trấn chiến lược Khan Sheikhoun ở miền Nam Idlib, đạt bước tiến lớn chưa từng có tại đây.

Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai tán thành các hoạt động quân sự trong khu vực, nói rằng Moscow hỗ trợ những nỗ lực của quân đội Syria để “khắc chế các mối đe dọa khủng bố” ở Idlib.

Tuy nhiên, đồng minh lớn khác của Chính phủ Syria là Iran, đã khá im lặng về những diễn biến ở phía tây bắc của Syria.

Trên thực tế, lần cuối cùng một quan chức cấp cao của Iran đảm nhận vai trò ở Idlib là vào ngày 16/4, khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói rằng Tehran có mối quan tâm nghiêm túc về tình hình ở Idlib.

Kể từ đó đến nay, đã không có sự hiện diện lớn nào của các lực lượng Iran hay thân Iran được ghi nhận trong khu vực.

Đối với tình hình ở phía Đông Euphrates, sau nhiều tháng tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc thành lập một khu vực an toàn dọc theo biên giới phía Bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ - hai bên đã đạt được thỏa thuận vào ngày 7/8 để thiết lập một trung tâm hoạt động đầu tiên.

Thỏa thuận được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ hành động đơn phương để giải quyết các mối quan ngại về an ninh của mình ở Syria nếu Washington không đưa ra giải pháp chung chấp nhận được.

Mặc dù có lập trường bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào phía Bắc và đông bắc của Syria, Iran đã không phản ứng ngay lập tức với thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng chính thức đầu tiên của Tehran chỉ đến sau đó vào ngày 18/8, khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Abbas Mousavi gọi các kế hoạch của Mỹ ở phía đông bắc Syria là khiêu khích và đáng lo ngại.

Đáng chú ý, tuyên bố của Iran chỉ đổ lỗi cho Washington, thậm chí không có một đề cập nào về vai trò của Ankara trong những diễn biến gần đây.

Chi tiết này có thể giải thích một phần lý do tại sao Iran quyết định ít can dự vào hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay ở Syria, theo Al-Monitor.

Theo đó, ở cả hai điểm nóng Idlib và vùng đông bắc Syria, Iran đã thận trọng trong việc tránh hành động chống lại lợi ích hoặc trực tiếp lên án các động thái của Ankara.

Trên thực tế, mặc dù Iran nhấn mạnh tất cả các lãnh thổ Syria phải được đưa trở lại dưới sự kiểm soát của Chính phủ Bashar al-Assad, họ cũng đã cố gắng để xoa dịu mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách gọi mối quan tâm về an ninh của Ankara dọc biên giới với Syria là “hợp pháp”

Lý do chính cho điều này là do Tehran tin tưởng vào Ankara như một đối tác đáng tin cậy trong việc chống lại các tác động tiêu cực đến từ chính sách áp lực tối đa của Washington.

Suy tính của Iran

Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích chồng chéo nhau.

Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích chồng chéo nhau.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, hai quốc gia Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế song phương, dự định tăng giá trị thương mại hàng năm từ 10 tỷ USD lên 30 tỷ USD.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Iran đối mặt với các lệnh trừng phạt, nước này cũng giành được sự tôn trọng của Iran ở Syria. Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng phát biểu rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran “gây tổn hại cho toàn khu vực”.

Ngoài những cân nhắc liên quan đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một lý do khác khiến Tehran chọn lập trường im lặng đối với những diễn biến gần đây ở Syria là do nước này đang trong quá trình chuyển trọng tâm sang các khía cạnh chính trị của cuộc khủng hoảng Syria.

Iran đang cố gắng giúp Tổng thống Assad thiết lập vị thế là nhà lãnh đạo hợp pháp của Syria, cả bên trong và bên ngoài.

Xu hướng mới này thể hiện rõ trong vòng đàm phán Astana mới nhất tại thủ đô Nur Sultan của Kazakhstan vào ngày 1-2/8.

Trọng tâm chính mà đại diện Iran nói đến trong cuộc họp là về hai vấn đề: đẩy nhanh việc thành lập ủy ban hiến pháp Syria và sự trở lại của người tị nạn Syria.

Mặc dù nói về các khía cạnh nhân đạo của cuộc khủng hoảng Syria không có gì mới trong cách tiếp cận vấn đề của Iran, nhưng đây là lần đầu tiên vấn đề người tị nạn đứng ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Tehran.

Việc nhấn mạnh đồng thời cả việc thành lập ủy ban hiến pháp cũng như đưa người tị nạn trở về được coi như một bước đi mà Iran muốn nhanh chóng đưa Syria thoát ra khỏi tình trạng chiến tranh.

Sau này, Iran có thể dựa trên một lập luận như vậy để không chỉ bảo toàn ảnh hưởng của mình ở Syria mà còn thúc đẩy sự chấm dứt hiện diện của Mỹ tại đây.

Nếu Iran thành công trong việc khiến các bên liên quan khác chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền Tổng thống Assad, vấn đề về sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cũng sẽ được giải quyết nhanh gọn.

Tehran tin rằng, họ có đủ đòn bẩy để thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ankara và Damascus về tình hình ở phía Bắc và đông bắc của Syria.

Mặc dù có vẻ là một quá trình lâu dài, Iran rõ ràng có niềm tin về việc họ có một giải pháp ngoại giao để giải quyết những tranh cãi liên quan đến sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Cuối cùng, cách tiếp cận ở mức độ thấp của Iran về hai điểm nóng nói trên không có nghĩa là nước này đã từ bỏ nỗ lực bảo tồn các lợi ích khác của mình ở Syria.

Mặc dù trên thực tế, Idlib và khu vực đông bắc Syria luôn là tâm điểm chú ý của thế giới, Iran đã cố gắng củng cố vị thế của mình ở Syria trên một khía cạnh khác. Đó là đạt được một thỏa thuận kinh tế mới với Chính phủ Assad.

Phòng Thương mại Iran mới đây đã thành lập một văn phòng tại Damascus. Trong khi đó, Tehran đang cố gắng thuyết phục Chính phủ Syria xóa bỏ thuế đối với hàng hóa của mình.

Tehran cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình mở lại tuyến đường Abu Kamal-Qaim dọc biên giới Syria-Iraq, nơi sẽ cung cấp cho Iran quyền tiếp cận trên mặt đất với Syria thông qua Iraq.

Như vậy, cách thể hiện của Iran ở Syria có thể được coi là một sự thay đổi về mặt chiến thuật, chứ không phải chiến lược - liên quan đến lợi ích lâu dài của Tehran tại đây.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nga-syria-tat-tay-dau-tho-nhi-ky-o-idlib-vi-sao-nguoi-trong-cuoc-nhu-iran-lai-im-lang-ky-la-a447053.html