Nga tăng đầu tư chế biến sau dầu mỏ và sản xuất các sản phẩm hóa dầu

Sự cấm vận của Mỹ/phương Tây về tài nguyên và chính trị đối với sản xuất dầu khí Nga đang thúc đẩy các tập đoàn công nghiệp Nga tìm kiếm các nguồn lợi nhuận mới và một trong số đó là mở rộng đầu tư, chế biến các sản phẩm hóa dầu.

Đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu dầu mỏ là xu hướng phát triển chính trong ngành dầu khí hiện nay. Vì vậy, một số nhà đầu tư dầu khí của Nga có kế hoạch thực hiện các dự án hóa dầu nhằm gia tăng đáng kể sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu trong thời gian tới.

Công nghiệp dầu khí của Nga chứng kiến sự gia tăng đầu tư nhanh và đáng kể vào lĩnh vực hóa dầu. Tổng vốn đầu tư cho hóa dầu tăng từ 175 tỷ Rúp (2013) lên tới 438 tỷ Rúp (2018). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, đầu tư vào hóa dầu tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018.

Về sản lượng, từ năm 2010 đến nay, sản xuất các sản phẩm hóa dầu tăng trung bình 2 lần. Theo ước tính của Chính phủ Nga, sản xuất polymer của Nga có thể đạt 11 triệu tấn và xuất khẩu 4,4 triệu tấn vào năm 2025. Riêng trong năm 2020, xuất khẩu polymer sẽ đạt 600.000 tấn. Đến năm 2025, tỷ lệ khí hóa lỏng sẽ tăng từ 4,6% lên 8,2%, tỷ lệ chế biến naphtalen tăng từ 5,6% lên 7,2%. Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm hóa dầu thuộc các dự án mới ước đạt trên 5 tỷ USD/năm và tổng doanh thu sẽ đạt trên 10 tỷ USD.

Đóng vai trò quan trọng trong gia tăng chế biến sâu dầu mỏ là sự tham gia của các công ty dầu khí thượng nguồn với 9/16 dự án hóa dầu và hóa khí mới.

Thị trường hóa chất toàn cầu hiện nay đạt khoảng 4500 tỷ USD và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030, trong đó nhu cầu các sản phẩm hóa dầu của thế giới sẽ tăng 40% vào năm 2030. Các thị trường nhập khẩu hứa hẹn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ (62 triệu tấn polyolefin/năm). Nhu cầu về polymer cũng sẽ gia tăng tại Mỹ và khu vực Mỹ Latinh. Riêng khu vực châu u giảm nhu cầu về polymer do chính sách giảm sử dụng đồ nhựa và tăng sử dụng nguyên liệu hữu cơ và tái chế.

Vì vậy, Nga đang cố gắng tận dụng nhu cầu cao của thị trường châu Á để xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu. Lợi thế lớn của các nhà sản xuất hóa chất Nga là giá nguyên liệu thấp. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng giao thông hướng châu Á và chi phí xây dựng các tổ hợp hóa dầu mới ở mức cao đang là thức thức không nhỏ.

Gazprom tham gia chế biến dầu mỏ

Tập đoàn khí đốt «Gazprom» là công ty dầu khí tích hợp trục dọc có nhiều hoạt động tích cực nhất trong đầu tư sản xuất polymer.

Tháng 3/2019, Gazprom thông báo tham gia đầu tư chung với Công ty «RusGazDobycha» xây dựng khu phức hợp hóa khí «Baltic» tại khu vực Ust-Luga, tỉnh Leningrad; trị giá khoảng 12 tỷ Euro. Dự án sẽ bao gồm tổ hợp chế biến khí đốt khai thác của Gazprom, nhà máy hóa khí và các cơ sở hạ tầng vận tải. Tổng công suất của dự án khoảng 45 tỷ m3 khí/năm, 13 triệu tấn LNG/năm, 4 triệu tấn Ethane/năm và hơn 2,2 triệu tấn LPG/năm. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành vào quý III/2023. Dự án có sử dụng công nghệ hóa khí của các đối tác Mỹ: Lummus Technology và Univation Technologies.

Dự án hóa khí đáng chú ý thứ hai của Gazprom là Tổ hợp hóa khí Amur, sử dụng nguyên liệu khí từ khu mỏ Chaiandynskoe; chủ yếu sản xuất khí metan cho thị trường Trung Quốc và ethane cho Tổ hợp hóa khí Sibur. Dự án được xây dựng tại Đặc khu phát triển ưu tiên Svobodnyi, tỉnh Khabarovsk.

Một dự án đầu tư khác của Gazprom là xây dựng Tổ hợp hóa khí trên bán đảo Yamal; công suất 3 triệu tấn polyetylen và polypropylen/năm hiện đang trong giai đoạn thiết kế.

Giới chuyên gia dầu khí Nga nhận định, chiến lược của Gazprom trong chế biến khí và hóa khí là những bước đi “sửa chữa sai lầm” trong quá khứ khí đánh giá sai triển vọng của thị trường LNG và sự sụt giảm giá khí đốt kéo dài. Hiện tại, Gazprom đang vội vã xây dựng và lên kế hoạch tăng công suất chế biến sâu khí thiên nhiên.

Rosneft triển khai các dự án chế biến sâu dầu thô quy mô lớn tại khu vực Viễn Đông

Tập đoàn dầu khí «Rosneft» có kế hoạch xây dựng khu liên hợp hóa dầu tại khu vực Boguchany, Vùng Krasnoyarsk với vùng nguyên liệu khí đồng hành và khí thiên nhiên khai thác tại khu mỏ Yurubcheno- Tokhomskoe. Công suất của khu liên hợp khoảng 3 triệu tấn/năm. Dự án hiện trong giai đoạn nghiên cứu khả thi với sự tham gia của công ty hóa chất lớn nhất Trung Quốc Sinopec.

Một dự án khác của Rosneft tại Viễn Đông là khu liên hợp lọc - hóa dầu tại khu vực Partizanskoy, Vùng Primory với vùng nguyên liệu tại các mỏ dầu của Rosneft; bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026, trong đó xây dựng dây chuyền sản xuất 5 triệu tấn naphtalen/năm, 850.000 tấn polyetylen/năm, 800.000 tấn polypropylen/năm, 200.000 tấn butadien/năm, 230.000 tấn belzol/năm và 700.000 tấn mono-etylenglinkol. Khu liên hợp cũng sẽ sản xuất 1 triệu tấn xăng/năm theo tiêu chuẩn Euro-5.

Những khó khăn, tồn tại

Trong lộ trình phát triển công nghiệp hóa dầu, hóa khí đến năm 2025, Chính phủ Nga thừa nhận chưa có quyết định đầu tư nào đối với hầu hết các dự án hóa dầu, hóa khí lớn thâm dụng vốn. Mặc dù các công ty dầu mỏ và một số cơ quan Chính phủ nhiều lần đề nghị hỗ trợ nhà nước (ưu đãi thuế dài hạn tại các dự án nằm trong các đặc khu phát triển ưu tiên), song Chính phủ Nga chưa chấp thuận do chưa tính toán hết các yếu tố nhằm đảm bảo hệ thống thuế, hải quan ổn định trước khi đưa ra các biện pháp hành chính và kinh tế hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Một khó khăn khác kìm hãm thúc đẩy các tổ hợp hóa dầu, hóa khí là sự bất đồng giữa Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng Nga. Trước thời điểm bị cấm vận của Mỹ/phương Tây, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu đối với nhiên liệu LPG dùng để sản xuất polyolefin. Tuy nhiên, việc cấm vận khiến các công ty dầu mỏ mở rộng sang phát triển các dự án chế biến sâu dầu mỏ. Do đó, Bộ Năng lượng đề xuất chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu phổ biến cho các cơ sở chế biến dầu mỏ là Ethane và LPG, áp dụng cho các dự án mới hoặc hiện đại hóa có quy mô trên 1 tỷ USD. Mức thuế cụ thể là: 9000 Rúp/tấn Ethane và 4500 Rúp/tấn LPG từ năm 2022.

Bộ Tài chính Nga quyết tâm giữ quan điểm cần áp dụng thuế khai thác khoảng sản đối với LPG trong quá trình khai thác để bù đắp thiếu hụt thuế tiêu thụ đặc biệt đối với LPG xuất khẩu. Sự bất đồng quan điểm này khiến chế độ thuế quan đối với các dự án hóa dầu, hóa khí mới chưa rõ ràng và sự thành công của các dự án này hiện vẫn phụ thuộc lớn vào năng lực tài chính của chủ đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia dầu khí nhận định, những khó khăn nêu trên sẽ không ngăn cản được sự phát triển mạnh các dự án chế biến sâu dầu mỏ mà các công ty thượng nguồn đang tiến hành.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nga-tang-dau-tu-che-bien-sau-dau-mo-va-san-xuat-cac-san-pham-hoa-dau-566469.html