Nga tập trận hạt nhân chiến thuật: Lời cảnh báo phương Tây cần giữ cái đầu lạnh
Cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật mới nhất của Nga được đánh giá là 'gáo nước lạnh' dội vào những cái đầu nóng của phương Tây muốn đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra lệnh cho quân đội Nga bắt đầu triển khai tập trận mô phỏng phóng vũ khí hạt nhân chiến thuật sát khu vực biên giới Ukraine.
Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 cho biết cuộc tập trận lần này là nhằm đáp trả "những tuyên bố quân sự" từ giới chức phương Tây, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mà Nga cáo buộc đe dọa đến an ninh quốc gia.
Lời cảnh báo trực quan nhất có thể
"Cuộc tập trận giúp đảm bảo các đơn vị quân đội và trang thiết bị quân sự của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng cho "các cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược để bảo vệ vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga và đáp trả những tuyên bố khiêu khích và những lời đe dọa từ cá nhân các nhà lãnh đạo phương Tây nhằm vào Nga", Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của các lực lượng tên lửa ở quân khu miền Nam sát biên giới với Ukraine và những phần lãnh thổ của Ukraine hiện Nga đang kiểm soát. Belarus, đồng minh thân cận từng được Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại nước này hồi năm ngoái, cũng sẽ tham gia cuộc tập trận.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, các binh sĩ sẽ tiến hành tập trận sử dụng "các loại vũ khí đặc biệt" ám chỉ đầu đạn hạt nhân được gắn trên tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander trên các bệ phóng di động được "bí mật di chuyển đến địa điểm định sẵn để chuẩn bị tấn công mục tiêu".
Ngoài ra, các binh sĩ Nga cũng diễn tập gắn đầu đạn đặc biệt lên tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal gắn trên các máy bay chiến đấu của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải video cho thấy những quả tên lửa được di chuyển thành hàng dài trên các phương tiện quân sự và đặt vào vị trí sẵn sàng khai hỏa.
Các nhà phân tích hạt nhân nhận định, cuộc tập trận hạt nhân của Nga là lời cảnh báo của Tổng thống Putin nhằm răn đe phương Tây không nên can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh tại Ukraine. Trước đó, các nước phương Tây đã hỗ trợ vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine nhưng vẫn kiềm chế không đưa quân sang.
"Cuộc tập trận này là một tín hiệu rõ ràng đáp lại những cuộc thảo luận gần đây của các quốc gia NATO muốn gửi quân sang Ukraine. Điều quan trọng nhất là Nga đã tuyên bố công khai và cung cấp những hình ảnh rõ ràng về cuộc tập trận lần này", ông Nikolai Sokov, cựu quan chức về kiểm soát vũ khí của Liên Xô trước đây và Nga sau này, chia sẻ.
Phương Tây cần tính toán kỹ lưỡng khi đối đầu với Nga
Các nhà quân sự phương Tây sẽ theo dõi sát sao cuộc tập trận để đánh giá họ sẽ nhận được cảnh báo bao lâu trước khi Nga triển khai những loại vũ khí này trên chiến trường thực sự, ông Sokov phân tích thêm.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn gọi là phi chiến lược dù không có sức mạnh hủy diệt nhiều thành phố của kẻ thù như vũ khí hạt nhân chiến lược vẫn có sức công phá khủng khiếp.
Nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng, vũ khí hạt nhân chiến thuật thậm chí đang ngày càng được Nga coi trọng hơn kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine tháng 2/2022.
Về mặt lý thuyết, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ khiến phương Tây bị sốc mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Theo Hiệp hội Các Nhà khoa học Liên bang Mỹ, Nga hiện sở hữu 1.558 đầu đạn hạt nhân phi chiến lược do Tổng cục 12, Bộ Quốc phòng Nga kiểm soát. "Sự tham gia của Tổng cục 12 có thể giúp phương Tây đánh giá kỹ hơn về thời gian đầu đạn hạt nhân của Nga phóng đi, thời gian phương Tây phát hiện và đánh chặn", ông Sokov cho biết.
Cũng theo ông Sokov, sự tham gia của tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal "là một nhân tố mới tôi không lường trước" và cho biết loại tên lửa này có thể mang cả những đầu đạn hạt nhân và đầu đạn truyền thống.
Trước đó, khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh tiến hành tập trận trong tháng 5, Bộ Ngoại giao Nga đã liên hệ cuộc tập trận lần này với những bình luận của Tổng thống Pháp Macron về khả năng đưa quân châu Âu tham chiến cùng quân đội Ukraine và của Ngoại trưởng Anh David Cameron rằng Kiev có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp tấn công các mục tiêu trên đất Nga.
Bộ Ngoại giao Nga dẫn thông tin của phương Tây về khả năng Anh, Pháp, Mỹ sẽ cung cấp tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa ATACMS cho Ukraine và cảnh cáo cuộc tập trận lần này sẽ là lời cảnh tỉnh cho phương Tây và những con rối ở Ukraine.
"Chúng tôi hy vọng cuộc tập trận sẽ làm nguội đi những cái đầu nóng tại các quốc gia phương Tây. Họ cần nhận ra hệ lụy kinh hoàng từ những nguy cơ chiến lược mà họ đang tạo ra và không nên đối đầu trực diện về quân sự với Nga", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.