Nga thay đổi lập trường về biến đổi khí hậu: 'Con đường xanh' của xứ sở Bạch dương sẽ ra sao?

Dù Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021 có thể chưa kết thúc, nhưng hình thức cam kết của Nga dường như đã rõ ràng.

Lính cứu hỏa Nga đang dập tắt đám cháy rừng gần làng Revyakina, Nga.(Nguồn: TASS)

Lính cứu hỏa Nga đang dập tắt đám cháy rừng gần làng Revyakina, Nga.(Nguồn: TASS)

Cho dù không được như mong đợi, nhưng Nga cũng đưa ra một số cam kết đáng kể về biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Tiến sĩ Mark Galeotti thuộc Hội đồng Địa chiến lược của Anh, điều này phản ánh sự giao thoa giữa chủ nghĩa thực dụng và ngoại giao, trong đó các quốc gia thể hiện cách duy trì áp lực đối với những vấn đề khác biệt lớn với Nga, đồng thời mở rộng đối thoại với những nước khác.

Xét đến vai trò của ngành dầu khí trong nền kinh tế, có lẽ Nga đã chọn không ký cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030.

Thay vào đó, xứ sở Bạch dương ủng hộ một quá trình chuyển đổi “mượt mà hơn”, nghĩa là chậm hơn so với mong đợi.

Tuy nhiên, Nga đã tham gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 - vấn đề quan trọng đối với một quốc gia chiếm 20% diện tích rừng trên thế giới, và đã cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Giới quan sát cho rằng, các cam kết này là chưa đủ, nhưng đã phản ánh một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách của Điện Kremlin về chương trình nghị sự xanh.

“Con đường xanh” của đất nước Bạch dương

Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin có thể thực hiện chuyển đổi xanh tương đối muộn và có điều kiện hoàn thành mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nhưng đó là một bước chuyển đổi thực sự.

Trở lại năm 2003, Tổng thống Nga Putin đã nói: “Có lẽ biến đổi khí hậu không quá tệ ở một đất nước lạnh giá như Nga? Việc tăng 2-3 độ C sẽ không ảnh hưởng gì. Moscow sẽ chi tiêu ít hơn cho áo khoác lông thú và sản lượng thu hoạch ngũ cốc sẽ tăng lên”.

Dường như giờ đây, nhà lãnh đạo Nga đã bị thuyết phục rằng “biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã quá rõ ràng và các nước cần bắt tay vào hành động”. Hiện nay, khí hậu ở Nga trung bình ấm lên nhanh hơn 2,5 lần so với phần còn lại của thế giới.

Tổng thống Putin đã không đến Glasgow tham dự Hội nghị COP 26 do lo ngại về dịch bệnh Covid-19. Chuyến đi Geneva gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 6 vừa qua là chuyến công du nước ngoài duy nhất của ông Putin kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, Nga đã cử một phái đoàn lớn tới COP 26.

Phái đoàn Nga do Phó Thủ tướng Alexei Overchuk dẫn đầu cùng ông Ruslan Edelgeriev, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về biến đổi khí hậu, và Anatoly Chubais với tư cách là Đặc phái viên của Tổng thống Nga về quan hệ với các tổ chức quốc tế.

Nga đang phải đối mặt với nguy cơ lãng phí gần 1.700 tỷ Bảng Anh nếu nước này không cải cách nền kinh tế.

Công chúng Nga coi ô nhiễm và biến đổi khí hậu lần lượt là mối đe dọa lớn thứ nhất và thứ tư mà nhân loại đang phải đối mặt. Điều đó cũng phản ánh hai khía cạnh ngoại giao kết hợp với nhau để giúp kết tinh sự đồng thuận chính trị mới nổi ở Điện Kremlin.

Theo lời của Alexei Kokorin, người đứng đầu về khí hậu và năng lượng của Quỹ Động vật hoang dã thế giới ở Nga, hiện nước này đang đứng thứ tư thế giới về lượng khí carbon phát thải hàng năm.

Phát huy ngoại giao truyền thống

Vị thế của Nga - đặc biệt là quy mô và sự nhiệt tình trong việc tham gia COP26 - là chủ đề của một chiến dịch ngoại giao trực tiếp bền vững và thành công.

Điều đáng chú ý là khi Đặc phái viên của Nga về khí hậu Edelgeriev phát biểu tại sự kiện riêng do Đại sứ Anh tại Nga Deborah Bronnert tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, ông lưu ý rằng, đây là lần đầu tiên ông có mặt trên lãnh thổ ngoại giao nước ngoài.

Ông Edelgeriev xuất thân là một cựu sĩ quan cảnh sát, sau đó trở thành Thủ hiến vùng Chechnya và có vẻ là một người ủng hộ việc chống biến đổi khí hậu.

Tháng 7/2021, ông Edelgeriev đã gặp ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khi đề cập vấn đề này, ông sẽ gặp phải rào cản từ những người cứng rắn của hệ thống chính trị Nga, trong đó có Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov, vốn nắm giữ ảnh hưởng trong quyết sách của Tổng thống Putin, ngay cả với những vấn đề dường như không nằm trong quyền hạn của họ.

Rõ ràng, sức mạnh ngoại giao truyền thống của Nga, đặc biệt là khi kết hợp với nghệ thuật quản trị quốc gia, được thể hiện rõ nhất qua các cuộc thảo luận tại COP26.

Nga đã thành công trong việc kết hợp sự cứng rắn khi cần thiết với việc đối thoại khi có thể.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-thay-doi-lap-truong-ve-bien-doi-khi-hau-con-duong-xanh-cua-xu-so-bach-duong-se-ra-sao-164539.html