Nga thể hiện sức mạnh quân sự ở Bắc Cực

Lần đầu tiên, 3 tàu ngầm hạt nhân của Nga đã đồng loạt phá vỡ lớp băng trên bề mặt và nổi lên ở Bắc Cực trong một màn trình diễn thể hiện sức mạnh quân sự của Moscow.

Theo RT, trong một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26-3, 3 tàu ngầm của Nga, mỗi tàu cách nhau khoảng 300m, chầm chậm xuyên thủng lớp băng dày 1,5 m ở Bắc Cực và từ từ ngoi lên. Các thủy thủ sau đó xuất hiện và thực hiện nghi thức chào nhau. “Lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Nga, 3 tàu ngầm hạt nhân đã cùng nổi lên từ dưới lớp băng”, Sputnik dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga Nikolay Yevmenov khi báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin.

Tàu ngầm Nga phá vỡ lớp băng trên bề mặt và nổi lên ở Bắc Cực trong đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26-3.Ảnh: TASS

Tàu ngầm Nga phá vỡ lớp băng trên bề mặt và nổi lên ở Bắc Cực trong đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26-3.Ảnh: TASS

Ông Nikolay Yevmenov khẳng định các tàu ngầm nổi lên “theo một ý tưởng và kế hoạch duy nhất vào đúng thời điểm đã định”. Theo RT, màn trình diễn này là một hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận UMKA-21 được thực hiện ở gần Alexandra Land, một đảo lớn và là nơi Nga đặt căn cứ quân sự Nagurskoye, nằm cách Moscow 3.000km về phía Bắc. TASS cho biết, cuộc tập trận diễn ra trong điều kiện thời tiết với nhiệt độ khoảng -25 đến -30 độ C và tốc độ gió lên tới 32m/giây. Cuộc tập trận có sự tham gia của 600 binh lính và nhân viên dân sự, cùng 200 khí tài quân sự. “Đây là lần đầu tiên Nga tiến hành đồng thời huấn luyện chiến đấu, nghiên cứu khoa học và nhiều hoạt động đo đạc thực tế tại Bắc Cực”, TASS dẫn lời Tư lệnh Hải quân Nga.

Theo trang mạng EN24 News, Tổng thống V.Putin đánh giá cuộc tập trận là “chưa từng có” trong lịch sử Liên Xô trước đây cũng như nước Nga ngày nay. Tổng thống Putin nhấn mạnh sự phức tạp của các hoạt động huấn luyện chiến đấu và nghiên cứu khoa học lần này “đã thể hiện năng lực và khả năng sẵn sàng hoạt động của hải quân Nga tại các khu vực vĩ độ Bắc khắc nghiệt”.

Màn trình diễn của 3 tàu ngầm hạt nhân nói riêng cũng như cuộc tập trận UMKA-21 nói chung được xem là bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện và sức mạnh của Nga ở Bắc Cực, nơi cuộc cạnh tranh địa chính trị đang có dấu hiệu nóng lên từng ngày giữa các nước: Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Trung Quốc. Tổng thống V.Putin cũng đã khẳng định Nga muốn duy trì ưu thế ở Bắc Cực và Moscow có kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu phá băng để tăng cường sự hiện diện trong khu vực này.

Sở dĩ một vùng băng giá như Bắc Cực lại lọt vào “mắt xanh” của nhiều quốc gia là bởi Bắc Cực lâu nay vẫn được ví như là “chiếc bánh ngọt nhiều vị”. Theo tờ Ouest France, các nhà khoa học Nga ước tính khu vực này chiếm 25% nguồn tài nguyên đang còn “ngủ yên” trên toàn cầu. Trong khi đó, tờ Diplomat dẫn thông tin của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí đốt hóa lỏng chưa được khai thác của thế giới. Ngoài ra, Bắc Cực có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực với trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước được giải phóng và thu hút nhiều loại cá di cư từ phía Bắc xuống. Bên cạnh đó là các hoạt động hàng hải qua Bắc Cực cũng đang trở nên quan trọng chưa từng có do băng tuyết tan. Tuyến hàng hải biển Bắc được dự báo sẽ trở thành đối thủ của kênh đào Suez nối châu Âu và châu Á. Khi được khai thác, tuyến biển Bắc được cho là có khả năng giúp rút ngắn thời gian tàu đi từ châu Âu sang châu Á xuống chỉ còn 35 ngày, so với 48 ngày nếu đi qua kênh đào Suez.

Vĩnh An / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/quoc-te/nga-the-hien-suc-manh-quan-su-o-bac-cuc-46622.html