Nga-Thổ Nhĩ kỳ: Phép thử đầy cam go

Chuyến công du ngày 27/8 đến Moscow của Tổng thống Recep Erdogan diễn ra giữa lúc quan hệ Nga - Thổ đã 'chạm đáy', trong khi quan hệ giữa Washington và Ankara được cho là đang 'hồi sinh'. Góc nhìn của Báo Thế giới & Việt Nam.

Xe tăng quân sự của lực lượng Syria. (Nguồn: MEM)

Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ngày 23/8, Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức tới Moscow. Chuyến thăm Nga của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan được cho là nhằm cứu vãn thời kỳ “trăng mật” đang bắt đầu nhạt phai giữa Ankara và Moscow.

Mới đây, căng thẳng giữa Moscow và Ankara được đẩy lên cao, khi giới chức Nga nghi ngờ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang “bắt cá hai tay” vì đã có những cử chỉ “làm nồng ấm” quan hệ với Mỹ, đồng thời tìm cách duy trì quan hệ hợp tác chiến lược với Nga thông qua tiến trình đàm phán hòa bình Syria tại Astana và thỏa thuận mua bán hệ thống S-400.

Không khó để nhận ra những nỗ lực cài đặt lại quan hệ với Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ sau những bất đồng. Thỏa thuận về thiết lập vùng an toàn ở phía Đông sông Euphrates vừa được ký kết giữa Washington và Ankara được đánh giá là động thái nằm ngoài toan tính của Moscow, buộc Nga phải có hành động đáp trả.

Giới quan sát cho rằng, thỏa thuận sẽ không chỉ ngăn chặn người Kurd mà còn ngăn cản sự trở lại của Quân đội Syria tại khu vực. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Thổ nồng ấm trở lại, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại những khu vực chiếm đóng sẽ giúp nước này dễ dàng thực hiện các chiến dịch Lá chắn Euphrates và Nhành Olive kết hợp với các trạm quan sát tại Idlib.

Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của hai đồng minh Nga và Iran, quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát Khan Sheikhoun – thị trấn trọng yếu do phe nổi dậy chiếm giữ, và tái chiếm thị trấn Morek đặt trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc quân đội Syria giành lại hai địa bàn then chốt này đã đánh dấu thất bại lớn của phiến quân và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đây được coi là hành động nhằm phản ứng lại thỏa thuận phía Đông sông Euphrates giữa Mỹ và Thổ, có thể làm thay đổi trạng thái cân bằng ở Syria.

Không chỉ chứng kiến cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh, Idlib còn được coi là địa bàn trải nghiệm những thăng trầm trong quan hệ Moscow – Ankara, đặc biệt kể từ sau khi hai nước ký kết thỏa thuận ngừng bắn Sochi vào năm 2018. Nhà bình luận Semih Idiz của tờ Al-monitor cho rằng, một “cuộc chiến ngầm” đang nảy sinh giữa Nga và Thổ Nhì Kỳ tại Idlib.

Có thể thấy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ ở trên cùng một chiến tuyến, khi hai nước luôn “bằng mặt chẳng bằng lòng”. Ankara luôn than phiền về việc Moscow từ chối ngăn chặn các cuộc tấn công của quân chính phủ Syria, trong khi Moscow luôn cáo buộc Ankara không thực hiện cam kết kiềm chế phiến quân HTS. Bên cạnh đó, quan điểm cứng rắn của Nga về thành lập vùng an toàn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, cùng việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa thực hiện chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria, đã khiến Ankara “khó chịu”.

Dù cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài gần một thập kỷ song đến nay, chiến trường Damacus vẫn là mớ hỗn độn trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Mâu thuẫn giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria, được hậu thuẫn từ các cường quốc với một bên là Mỹ và các nước đồng minh, bên kia là Nga và Iran, đã khiến những xung đột ở Syria càng trở nên khó gỡ. Khi đó, một hay nhiều chuyến thăm giữa Moscow và Ankara cũng không thể cứu vãn thời kì mật ngọt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, càng không thể kéo quốc gia Trung Đông này ra khỏi “vũng lầy” của xung đột vũ trang.

Cẩm Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-tho-nhi-ky-phep-thu-day-cam-go-100122.html