Ngạc nhiên một nút giao ở Hà Nội hay ùn ứ bỗng… thông thoáng bất ngờ

Một nút giao thông trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội vốn thường trong tình trạng ùn ứ kéo dài bỗng trở nên thông thoáng vì lý do bất ngờ.

Từ cách đây khoảng 2 tháng, giữa nút giao ngã tư đường Nguyễn Trãi với trục đường Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến bị rào chắn để phục vụ thi công công trình thoát nước. Do đó, dải phân cách giữa ngã tư trên đường Nguyễn Trãi được đóng lại, đồng thời bố trí cho phương tiện đi vòng một đoạn để sang đường, quay đầu

Từ cách đây khoảng 2 tháng, giữa nút giao ngã tư đường Nguyễn Trãi với trục đường Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến bị rào chắn để phục vụ thi công công trình thoát nước. Do đó, dải phân cách giữa ngã tư trên đường Nguyễn Trãi được đóng lại, đồng thời bố trí cho phương tiện đi vòng một đoạn để sang đường, quay đầu

Từ khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều người thường xuyên điều khiển ô tô, xe máy qua nút giao cắt giữa các đường Nguyễn Trãi – Vũ Trọng Khánh – Nguyễn Khuyến (quận Hà Đông, Hà Nội) có cảm giác nhẹ nhõm vì không còn cảnh phương tiện chen chúc, ùn ứ kéo dài, hay cảnh phương tiện bị "mắc" giữa nút giao do tranh nhau vài giây tín hiệu đèn xanh để đi qua. Ngay cả trong giờ cao điểm, ở cả chiều đường Nguyễn Trãi và đường Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Khuyến (hướng đi vào đường Nguyễn Trãi) cũng không còn cảnh ô tô giành đường của xe máy, xe máy đi lên hè để thoát ùn ứ.

Anh Bùi Trọng Dũng, một tài xế taxi kể, trước đây mỗi khi phải đi qua nút giao này là nỗi ám ảnh vì ùn tắc, mất nhiều thời gian mới qua được. "Có lần xe tôi đang ở bên đường Vũ Trọng Khánh nên hẹn khoảng chục phút sau sang đón khách bên đường Nguyễn Khuyến. Thế mà hơn gần nửa tiếng mới qua được nên bị khách hủy chuyến. Còn từ khoảng 2 tháng nay, nút giao này có công trình thoát nước thi công giữa đường nên rào dải phân cách giữa nút giao lại, không dùng đèn xanh đèn đỏ nữa và để phương tiện đi kiểu vòng tròn thì thông thoáng vô cùng", anh Dũng phấn khởi nói.

Cũng như lái xe trên, khá nhiều người trong Khu đô thị Văn Quán (trục đường đôi Nguyễn Khuyến dẫn vào khu đô thị này) chia sẻ, trước đây chiều đi từ trong khu đô thị theo đường Nguyễn Khuyến ra đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn ứ, xe cộ xếp hàng dài để chờ đèn xanh, đèn đỏ. Phía đối diện, chiều đi từ đường Vũ Trọng Khánh hướng ra Nguyễn Trãi cũng trong tình trạng tương tự.

Nói thêm, đường Vũ Trọng Khánh và Nguyễn Khuyến thường xuyên bị thu hẹp do xe ô tô đỗ dưới lòng đường để vào siêu thị, sửa chữa tại ga ra gần đường hay chờ làm thủ tục đăng ký xe.

Dù biện pháp phân luồng theo hướng "vòng xoay" để qua ngã tư để tránh ùn tắc do thi công nhưng giúp nút giao luôn thông thoáng, hiệu quả hơn so với dùng đèn tín hiệu giao thông (2 ảnh trên: Chiều đường Vũ Trọng Khánh và Nguyễn Khuyến ra đường Nguyễn Trãi luôn thông thoáng sau khi rào chắn dải phân cách giữa ngã tư)

Dù biện pháp phân luồng theo hướng "vòng xoay" để qua ngã tư để tránh ùn tắc do thi công nhưng giúp nút giao luôn thông thoáng, hiệu quả hơn so với dùng đèn tín hiệu giao thông (2 ảnh trên: Chiều đường Vũ Trọng Khánh và Nguyễn Khuyến ra đường Nguyễn Trãi luôn thông thoáng sau khi rào chắn dải phân cách giữa ngã tư)

Nói về lý do nút giao "bỗng dưng" thông thoáng, anh Tiến, một người dân tại Khu đô thị Văn Quán phân tích, nói vui: "Nút giao này có lưu lượng phương tiện lớn, giữa nút giao bị chắn bởi cột trụ của tuyến đường sắt trên cao nên hạn chế khả năng xe di chuyển qua. Việc rào chắn dải phân cách giữa đường và bố trí cho phương tiện đi vòng qua qua ngã tư theo lối mở hai đầu giúp giải quyết được xung đột phương tiện tại ngã tư, phương tiện lưu thông qua khu vực ngã tư nhanh hơn nhiều. Nhất là giờ cao điểm buổi chiều, phương tiện từ đường Nguyễn Trãi "thoát nhanh" vào đường khu đô thị. Thật may là nhờ có công trình thi công thoát nước giữa ngã tư nên... nút giao được phân luồng thông thoáng".

Quan sát của phóng viên tại nút giao thông Nguyễn Trãi – Vũ Trọng Khánh – Nguyễn Khuyến thời điểm trước, sau khi có công trình thi công tại giữa nút giao và tổ chức phân luồng lại phương tiện bằng cách rào chắn ngã tư, để phương tiện đi vòng đã mang lại sự thông thoáng, giải quyết được tình trạng ùn ứ.

Anh Nguyễn Hữu Bích (Hà Nội), người từng đạt giải Ba tại cuộc thi Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị (do một cơ quan báo chí tổ chức năm 2017) với đề xuất giải pháp "Giảm ùn tắc bằng biện pháp "vòng xoay"" cho rằng, dù nút giao Nguyễn Trãi – Vũ Trọng Khánh – Nguyễn Khuyến "vô tình" áp dụng biện pháp phân luồng kiểu "vòng xoay" nhưng đã mang lại hiệu quả hơn so với biện pháp dùng đèn tín hiệu giao thông.

Theo anh Bích, thực tế tại Hà Nội, đặc điểm của mạng lưới giao thông nội đô là có nhiều nút giao đa dạng, đồng mức và khác mức, gồm các ngã ba, ngã tư và thậm chí có nút giao chia thành nhiều hướng di chuyển khác nhau. Biện pháp dùng đèn tín hiệu giao thông chỉ hiệu quả tại các nút giao lớn, đồng mức; còn tại những nút giao khác mức, nhất là tại các ngã tư giao cắt giữa trục đường chính và đường nhỏ hơn, đường "xương cá" thì đèn tín hiệu giao thông đôi khi không mang lại tác dụng.

Do đó, cơ quan chức năng nên thường xuyên theo dõi, đánh giá cách tổ chức giao thông ở từng ngã ba, ngã tư, nút giao cắt để kịp thời điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông, hướng tuyến. "Có thể kể đến như gần đây việc tổ chức phân luồng tại nút giao Trường Chinh – Ngã tư Sở - đường Láng, hay đường Lê Quang Đạo – Châu Văn Liêm (gần Sân vận động Mỹ Đình)… cho thấy hiệu quả của giải pháp vòng xoay", anh Bích cho biết thêm.

Biện pháp phân luồng "đi vòng" để vượt qua ngã tư giúp thông thoáng hơn so với khi có đèn tín hiệu giao thông, song cũng cần phát sinh vấn đề xung đột phương tiện tại điểm quay đầu xe, cũng như lối sang đường cho người đi bộ

Biện pháp phân luồng "đi vòng" để vượt qua ngã tư giúp thông thoáng hơn so với khi có đèn tín hiệu giao thông, song cũng cần phát sinh vấn đề xung đột phương tiện tại điểm quay đầu xe, cũng như lối sang đường cho người đi bộ

Tuy nhiên, theo anh Bích, việc tổ chức phân luồng phương tiện qua các nút giao theo "vòng xoay" cũng phát sinh vấn đề là phương tiện khi quay đầu tại điểm mở tạo xung đột với phương tiện di chuyển trên tuyến, cũng như người đi bộ khi qua đường sẽ gặp khó khăn do không có đèn tín hiệu dừng phương tiện.

"Tại nút giao Nguyễn Trãi - Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến, nên tiếp tục duy trì biện pháp phân luồng theo "vòng xoay" thay vì đèn tín hiệu giao thông như trước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, điều chỉnh thêm như di chuyển đèn tín hiệu ở ngã tư (đang không sử dụng) để lắp tại điểm mở cho phương tiện quay đầu. Đèn tín hiệu tại đây, với thời gian ngắn sẽ giúp giảm xung đột phương tiện và điều tiết, giãn lưu lượng xe cho các nút giao kế tiếp. Bên cạnh đó, bố trí đèn tín hiệu tự bấm cho người đi bộ sang đường tại vị trí thích hợp", anh Bích góp ý.

Khu vực nút giao đường Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm (gần Sân vận động Mỹ Đình) được điều tiết giao thông bằng biện pháp "đi vòng" qua nút giao và có lắp đèn tín hiệu (tự bấm) cho người đi bộ sang đường

Khu vực nút giao đường Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm (gần Sân vận động Mỹ Đình) được điều tiết giao thông bằng biện pháp "đi vòng" qua nút giao và có lắp đèn tín hiệu (tự bấm) cho người đi bộ sang đường

Hồng Xiêm

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ngac-nhien-mot-nut-giao-o-ha-noi-hay-un-u-bong-thong-thoang-bat-ngo-183241017195011668.htm