Ngậm ngùi nhìn nông sản rụng thối vườn vì thủy điện làm ngập đường

Liên quan đến phản ánh của CAO 'Thủy điện tự ý tích nước, gây họa cho dân', đến nay đã có hàng trăm héc–ta cà phê, cao su, cây ăn quả… của dân chịu thiệt hại.

Những ngày này, hàng chục hộ dân ở gần lòng hồ thủy điện Plei Kần (TT.Plei Kần, H.Ngọc Hồi, Kon Tum) vẫn đứng ngóng trông sang bờ bên kia – nơi có hơn 300 héc-ta cây trồng đang lâm nguy.

Anh Trần Trung Thảo (ngụ TT.Plei Kần) có hơn 10 héc – ta rẫy bên kia xã Đăk Rơ Nga khẳng định: “Đường độc đạo vào khu sản xuất hơn 300 héc-ta ở xã Đắk Rơ Nga, H.Đắk Tô bị ngập là do thủy điện tích nước”.

Ngày xưa đầy là con đường lên khu sản xuất của người dân, giờ nước thủy điện nhấn chìm

Ngày xưa đầy là con đường lên khu sản xuất của người dân, giờ nước thủy điện nhấn chìm

Giờ đây, người dân đã làm 1 cái bè bằng tre để vượt lòng hồ. Tuy nhiên, với cái bè bằng tre nứa, chỉ có những người đủ can đảm mới đánh liều đi qua. Nhờ sự giúp sức của người dân, PV đã lên bè, vượt lòng hồ thủy điện để chứng kiến những vườn cà phê chín rụng đầy gốc, những lô cao mủ thối chất đống.

Ông Phạm Trung Thê (ngụ TT.Plei Kần) có 20 héc-ta cao su và hơn 1 héc-ta cà phê ở thôn Đăk Ré, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô ngậm ngùi, tiếc nuối nhìn mủ cao su cạo ra được đổ đầy vườn.

Ông Thê bức xúc cho biết, người thì vượt bè sang đây cạo mủ được nhưng không có cách gì vận chuyển ra bán. Mủ cao su gia đình cạo ra, cứ chất đầy ở các gốc cây, lâu ngày thối hết. Ngoài ra, vườn cà phê cũng chín, sắp rụng hết rồi. Thiệt hại không gì tính hết được.

“Chúng tôi yêu cầu thủy điện dừng tích nước vài ngày để bà con thu hoạch cao su và cà phê. Đồng thời, cũng để người dân vận chuyển phân bón vào, chứ cây trồng không cầm cự được lâu nữa. Khoảng 2 tháng nay, bà con không có thu nhập, nhiều người phải vay nóng bên ngoài để cầm cự”, ông Thê tha thiết nói.

Nước mắt người nông dân khi nhìn tài sản hàng ngày hư hỏng

Nước mắt người nông dân khi nhìn tài sản hàng ngày hư hỏng

Cạnh đó là hơn 10 héc-ta cao su và cà phê của anh Trần Trung Thảo cũng đã chuyển màu vàng vì thiếu chất. Đã 2 tháng nay, đây là lần đầu tiên anh vào thăm rẫy.

“Tôi không biết bơi nên không dám đi bè qua lòng hồ thủy điện. Nghe mọi người nói, cà phê chín rụng hết rồi nên hôm nay, tôi sốt ruột liều đi qua đây. Giờ cà phê mà không thu hoạch được coi như bỏ. Ngoài ra, cây cà phê không được chăm sóc còn ảnh hưởng đến các năm sau. Thiệt hại lớn, tuy nhiên gia đình chưa thấy ai hỏi thăm, hay thống kê gì”, anh Thảo buồn rầu nói.

Cà phê đến giai đoạn chín đen nhưng không thể thu hoạch do không vận chuyển về được

Cà phê đến giai đoạn chín đen nhưng không thể thu hoạch do không vận chuyển về được

Trước đó, Sở Công thương Kon Tum có văn bản, yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Plei Kần khắc phục ngay đường, cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho người dân (trước ngày 15-11). Tuy nhiên đến nay, cà phê đã chín rụng, mủ cao su đã thối nhưng đường vẫn chưa thấy đâu.

Giải quyết chậm trễ ngày nào, ngày đó dân còn khóc ròng

Giải quyết chậm trễ ngày nào, ngày đó dân còn khóc ròng

Như CAO liên tục thông tin, thủy điện Plei Kần của Công ty Tấn Phát ở tỉnh Kon Tum liên tục tự ý tích nước trái phép. Thậm chí, ngay trong mùa mưa bão đơn vị này vẫn tích nước khiến người dân trở tay không kịp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của dân.

Nghiêm trọng nhất là 300 héc-ta đất sản xuất của dân tại xã Đắk Rơ Nga bị cô lập hoàn toàn… Trong khi cà phê, cao su đang vào mùa thu hoạch, nếu không xử lý kịp sẽ gây hư thối.

Trước sự "phớt lờ" mọi yêu cầu dừng tích nước của các cơ quan liên quan, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã ra văn bản cảnh báo: "Nếu Công ty Tấn phát tiếp tục tích nước trái quy định, sẽ đề nghị Tổng Công ty điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy. Đồng thời, sở này báo cáo UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động".

Clip nông sản của người dân chịu thiệt hại nặng nề do mất đường đi lên khu sản xuất

Chí Dũng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ngam-ngui-nhin-nong-san-rung-thoi-vuon-vi-thuy-dien-lam-ngap-duong_103330.html