Ngăn bỏ cọc đấu giá biển số xe cách nào?
Sau các phiên đấu giá biển số xe ô tô, không ít người trúng đấu giá với số tiền cả chục tỷ đồng đã bỏ cọc và bị hủy kết quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp để hạn chế việc này.
Trả giá theo cảm xúc
Từng tổ chức nhiều cuộc đấu giá tài sản, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh (Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt) cho biết, chiếu theo các quy định về pháp luật, người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số xe không sai so với quy chế mà đơn vị đấu giá đưa ra trong mỗi cuộc chơi.
Thực tế từng ghi nhận một số tình huống khách hàng đấu giá thì trả rất cao, song cuối cùng họ không nộp tiền và chịu mất khoản phí đã đóng cọc (trường hợp đấu giá biển số xe ô tô là 40 triệu đồng). Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có chế tài nào khác ngoài việc thu giữ tiền cọc.
"Đơn vị tổ chức đấu giá không hề mong muốn phải đấu giá lại tài sản, bởi điều này sẽ mất rất nhiều thời gian của các bên cũng như của người đấu giá", bà Hạnh nhìn nhận.
Theo các chuyên gia, nhiều khách hàng trong quá trình đấu giá có thể không kiểm soát được cảm xúc, nhất là khi ngồi trước máy tính đấu giá online, dẫn đến trả mức giá quá tay.
Luật sư Phan Văn Chiều (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu, Đoàn luật sư Hà Tĩnh) nhìn nhận, biển số xe ô tô là một loại tài sản đặc thù, mới được đưa ra đấu giá trong thời gian gần đây. Biển số đấu giá là một dạng tài sản được phép đưa ra đấu giá, nhưng lại không được phép chuyển nhượng mỗi biển mà phải đi kèm với chiếc xe đã đăng ký gắn biển số đó.
Với đặc thù như vậy nên biển số đấu giá không có được đầy đủ các quyền về tài sản theo quy định của pháp luật. Do đó, khi chủ tài sản trúng đấu giá mà có ý định mang đi giao dịch sẽ gặp khó khăn nhất định về mặt pháp lý. Đây là một trong những lý do khiến chủ tài sản vô tư trả giá, nhưng sau khi rời sàn đấu thì suy nghĩ lại hoặc nghe dư luận bàn tán mức giá quá cao, dẫn đến tình trạng bỏ cọc.
Những biển số được đưa lên sàn thường được gọi là biển số đẹp, gồm những con số mang nhiều ý nghĩa như ngũ quý, số tượng trưng cho chữ "Phát", "Lộc"… rất có giá trị đối với giới sưu tầm, đáp ứng theo quan niệm cá nhân. Song về giá trị thực tế, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào thẩm định để định giá được những tài sản này trị giá bao nhiêu.
Cần chế tài đủ sức răn đe
Để ngăn tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản, đặc biệt là biển số xe, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh đề xuất, những khách hàng tham gia đấu giá cần mở một tài khoản hoặc ví điện tử trên trang web của đơn vị tổ chức đấu giá. Mỗi lần trả giá, người chơi phải nộp tiền vào tài khoản đó mới có thể đấu giá. Trường hợp tài khoản không đủ tiền, khách hàng sẽ không thể trả mức giá cao hơn số tiền đang có trong ví.
Sau khi kết thúc cuộc đấu, số tiền trong ví sẽ được khấu trừ vào mức tiền đã trúng đấu giá cho biển số đó, còn người đấu không trúng được bảo lưu tiền cho lần sau hoặc rút về.
Theo bà Hạnh, giải pháp trên đang được một số nước trên thế giới áp dụng trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, chuyên gia lo ngại phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian đấu giá hơn, đủ để khách hàng nạp tiền vào ví.
Chế tài tiếp theo có thể áp dụng là trong trường hợp khách hàng trúng đấu giá nhưng không hoàn tất nghĩa vụ tài chính trong thời hạn cho phép để nhận biển số, cơ quan chức năng ra quyết định cấm cá nhân đó tham gia đấu giá biển số xe liên tục từ 3 - 5 năm.
Theo luật sư Phan Văn Chiều, nhiều người sẵn sàng trả giá thật cao rồi bỏ cọc và chịu mất hàng chục triệu đồng tiền đặt trước, mục đích có thể là để đánh bóng bản thân. "Rõ ràng hành vi này làm mất uy tín của các cơ quan liên quan, mất nhiều thời gian, công sức của tổ chức, đơn vị khiến họ phải tổ chức đấu giá lại. Thậm chí, còn tước đi cơ hội của những khách hàng khác", luật sư bày tỏ.
Để ngăn tình trạng này, luật sư Phan Văn Chiều kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nâng chế tài xử lý: "Có thể yêu cầu họ chứng minh năng lực tài chính trước khi đấu giá, đảm bảo có đủ tiền để thanh toán mức giá đã đấu. Ngoài ra, cần xem xét hình phạt cấm người bỏ cọc tham gia đấu giá trong một khoảng thời gian nhất định, như vậy mới đảm bảo được uy tín, giá trị của các cuộc đấu giá".
Khi PV đề cập việc nhiều người bỏ cọc và không nộp tiền thắng đấu giá, cơ quan chức năng có biện pháp gì để xử lý, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đánh giá, hiện công tác đấu giá biển số cơ bản đã thành công.
Về tình trạng bỏ cọc trong đấu giá, ông Đức khẳng định, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đấu giá đã được quy định rõ tại Nghị quyết 73 của Quốc hội, Nghị định 39 của Chính phủ và trong biên bản trúng đấu giá mà khách hàng đã ký. "Đồng thời, người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội về việc này", ông Đức nhấn mạnh.