Ngăn bưng bít, độc quyền thông tin

Để che giấu những việc làm khuất tất, trục lợi, không ít cán bộ, đảng viên có chức quyền trong hệ thống chính trị đã bưng bít, độc quyền thông tin. Đây là hiện tượng không mới nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính dân chủ, minh bạch và sự giám sát, phản biện xã hội.

Thông tin (gồm thông tin từ thực tế xã hội, từ nội bộ, từ sự chỉ đạo của cấp trên...) là công cụ quan trọng để cán bộ, đảng viên thực thi công vụ trên từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông tin chính xác giúp cán bộ, đảng viên đưa ra quyết định đúng, mang lại lợi ích cho xã hội, giúp nhân dân giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên chặt chẽ, hiệu quả. Bưng bít thông tin, đưa ra thông tin sai, thiếu có nguy cơ dẫn đến thực thi nhiệm vụ sai lệch, hiệu quả công việc yếu kém. Vì vậy, ở bất kỳ xã hội nào, bất kỳ tổ chức nào cũng cần thông tin chính xác.

Ở đây, vấn đề đặt ra là, muốn có thông tin chính xác thì cần có những người thu thập trung thực, tận tụy, làm việc có tâm và quan trọng hơn nữa là cần những người cung cấp thông tin cho xã hội đầy đủ, kịp thời, chính xác. Hiện nay, trong xã hội, hiện tượng độc quyền, bưng bít thông tin, báo cáo sai, thiếu nhằm trục lợi diễn ra không ít.

Gần đây nhất, sau khi mở rộng điều tra các vụ án “Môi giới hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) và các trung tâm đăng kiểm nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố 3 bị can công tác ở Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), gồm: Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng; Phạm Đức Ngọc, chuyên viên. Tiếp đó, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà cũng đã bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Đáng chú ý khi kiểm tra nơi làm việc của các bị can này, camera theo dõi, giám sát hoạt động đăng kiểm ở Phòng Kiểm định xe cơ giới không được sử dụng. Điều này chứng tỏ việc nắm bắt thông tin từ cơ sở đã không được thực hiện trong thời gian dài.

Sự việc thứ hai diễn ra tại tỉnh Bình Thuận là điển hình của hiện tượng độc quyền thông tin. Theo đó, có 12 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận đã bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Theo kết luận điều tra, các bị can này đã lấy thông tin giá đất thời điểm năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2) để chuyển nhượng 3 lô đất cho công ty tư nhân không qua đấu giá vào năm 2017. Sau khi trưng cầu định giá tài sản, ngày 28-6-2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ đã có kết luận giá trị quyền sử dụng 3 lô đất đó ở thời điểm ngày 7-3-2017 là 156,4 tỷ đồng. Như vậy, các bị can đã làm thất thoát của Nhà nước 45,4 tỷ đồng bằng thủ đoạn độc quyền thông tin.

Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ nguyên nhân tồn tại yếu kém: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả”. Phân tích yếu kém này, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân không nắm được thông tin để thực thi chức trách và quyền hạn giám sát theo quy định của pháp luật.

Để ngăn chặn hiện tượng độc quyền, bưng bít thông tin nhằm lạm quyền, chuyên quyền và hướng tới mục tiêu cao hơn là ngăn chặn kịp thời “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ở tầm vĩ mô, cần quan tâm xây dựng, vận hành cơ chế cung cấp thông tin minh bạch, khách quan. Xét đến cùng, nếu chủ thể là các thành viên cơ quan công quyền không cung cấp thông tin công khai, minh bạch, chính xác, đầy đủ và cụ thể thì các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân không thể thực hiện được quyền dân chủ, để giám sát hiệu quả hành động thực thi công vụ của cán bộ và các cơ quan công quyền. Đây chính là nguyên nhân để những sai phạm, vi phạm pháp luật, làm giàu bất chính từ cơ chế, chính sách của cán bộ có chức quyền được giấu kín. Đó cũng là căn nguyên thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ngấm ngầm, nhanh hơn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng cần thanh lọc những cán bộ, đảng viên có những biểu hiện che giấu, chiếm đoạt thông tin để mưu cầu động cơ, mục đích cá nhân hoặc cho một nhóm người. Cần phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán để “chỉ mặt”, “đặt tên” những sai phạm của cá nhân và tập thể, công bố rộng rãi, qua đó để nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hiệu quả.

Minh bạch thông tin, chống độc quyền thông tin là một giải pháp để hướng tới thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đảng ta đã xác định; là một trong những biểu hiện cao của dân chủ xã hội chủ nghĩa để hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tuy nhiên, minh bạch thông tin phải dựa trên cơ sở cân nhắc phù hợp và đúng pháp luật. Những thông tin liên quan đến bí mật quốc gia phải được bảo mật theo quy định. Cũng cần phải đấu tranh loại bỏ tư duy vin vào “bí mật quốc gia” để độc quyền thông tin như một số cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị, địa phương đang áp dụng. Đó cũng là cách để đưa đất nước tiến lên, gián tiếp đấu tranh có hiệu quả với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trường Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/1053227/ngan-bung-bit-doc-quyen-thong-tin