Ngăn chặn bệnh tay chân miệng trước thềm năm học mới
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm?
(HNMO) - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng dịp khai trường.
Theo đó, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Song song với đó là tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả.
Ảnh minh họa: Internet
Giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học; yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…
Sở dĩ Cục Y tế dự phòng có yêu cầu trên bởi bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm và thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2019 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018, ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi...