Ngăn chặn dịch cúm gia cầm tái phát

Bệnh dịch tả lợn châu Phi mới qua đi chưa được bao lâu, ngành nông nghiệp lại phải đối mặt với nguy cơ phát sinh bệnh cúm gia cầm. Hiện cả nước có 26 tỉnh, thành phố ghi nhận có đàn gia cầm dương tính với vi rút chủng cúm A/H5N1 và chủng A/H5N6. Ngày 3-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện khẩn về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Tại tỉnh ta, tháng 12-2019, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện tại xã Minh Dân (Hàm Yên). Dù đã được dập tắt, song nguy cơ dịch tái phát trở lại rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động mua, bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm diễn ra ở khắp các địa phương trong điều kiện nền nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm không khí rất cao vi rút rất dễ phát tán và lan rộng.

Công nhân Trại gà Ỷ La (TP Tuyên Quang) phun thuốc khử trùng cho đàn gà giống.

Công nhân Trại gà Ỷ La (TP Tuyên Quang) phun thuốc khử trùng cho đàn gà giống.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát, chi cục chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y tại các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố theo dõi, giám sát đàn vật nuôi, trọng điểm là các vùng giáp ranh, vùng đã phát sinh ổ dịch, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm. Chi cục cũng đề nghị các địa phương thực hiện phun thuốc khử trùng khu vực chuồng, trại chăn nuôi để diệt trừ mầm bệnh; khuyến cáo người chăn nuôi thu dọn vệ sinh khu vực nuôi nhốt gia cầm, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn, bổ sung chế độ ăn, tiêm phòng vắc xin tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi. Riêng ở các địa phương đã từng xuất hiện ổ dịch phải thực hiện nghiêm công tác tiêm phòng vắc xin chống cúm cho 100% đàn gia cầm, thủy cầm.

Xã Minh Dân là địa phương vừa phát sinh ổ dịch cúm A/H5N6 hồi tháng 12-2019, để ngăn chặn dịch cúm tái phát, công tác phòng chống dịch đã được chính quyền và người dân tập trung ở mức cao nhất. Ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã cho biết, tại thôn Trung Tâm, nơi phát hiện ổ dịch vẫn được thường xuyên phun thuốc khử trùng tuần 2 lần, tại các thôn khác 1 lần/tuần. Xã cũng đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ cán bộ, bổ sung vắc xin để tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm, thủy cầm. Đến ngày 8-2, đã có 60% đàn gia cầm của xã đã được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Ông Nguyễn Văn Nhật, xóm 10, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, gia đình chăn nuôi gà đã nhiều năm nay, khi nghe thông tin về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, ông đã tăng cường các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại, cách ly đàn gia cầm với môi trường bên ngoài. Đối với đàn gà đẻ, ông Nhật tiêm vắc xin phòng cúm, phòng bệnh tụ huyết trùng, bệnh niu cát xơn.

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tất cả gia cầm các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dễ bùng phát vào mùa đông, xuân. Triệu chứng của cúm trên gia cầm là gà sốt cao, uống nhiều nước, khó thở, viêm mũi, chảy nước mắt, nước mũi, ho hen, mào tím tái, sưng phù, hoại tử, tiêu chảy phân xanh, phân trắng, phân vàng, xuất huyết da chân. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy sử dụng vắc xin là một biện pháp hữu hiệu, tích cực để phòng bệnh cúm gia cầm. Do đó người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng vắc xin cúm cho gia cầm lúc 2 tuần tuổi, 5 tuần tuổi và trước khi đẻ 15 ngày. Sau đó định kỳ tiêm phòng mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10. Trong quá trình chăn nuôi cần tạo một hàng rào cách ly khu vực chăn nuôi với môi trường bên ngoài, rắc vôi bột xung quanh chuồng và lối đi, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại; bổ sung vi ta min, khoáng chất tăng cường sức đề kháng cho gia cầm khi thời tiết giao mùa.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ngan-chan-dich-cum-gia-cam-tai-phat-128615.html