Ngăn chặn ngay 'quái xế'

Mới đây, một nhóm 'quái xế' đi trên các xe máy phân khối lớn chạy với tốc độ cao, liên tục lạng lách, đánh võng dọc trên tuyến phố chính từ quận Hà Đông (TP Hà Nội) về phía nội thành.

Ngồi sau xe, một số đối tượng tay lăm lăm những cây “phóng lợn” tự chế; có đối tượng còn đập các vỏ chai bia bằng thủy tinh xuống đường khiến nhiều người đi đường hoảng sợ. Trước đó, tại TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), người dân đã bắt được nhóm đối tượng thanh, thiếu niên (đi trên các xe máy phân khối lớn, lạng lách, đánh võng, ném vỏ chai vào các xe ô tô đi cùng chiều) bàn giao cho cơ quan công an địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên điều khiển mô tô phân khối lớn phóng nhanh, lạng lách, gây rối trật tự công cộng có tần suất ngày càng nhiều. Địa bàn mà các đối tượng “ưa thích” là các tuyến đường mới mở, các khu vực giáp ranh giữa các địa phương, vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng. Các “quái xế” thường có chung sở thích là đam mê tốc độ, ham vui, bốc đồng, thích thể hiện hoặc dễ bị lôi kéo, kích động...

Công an thành phố Thủ Dầu Một tiến hành lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng đua xe trái phép. Ảnh minh họa: TTXVN

Công an thành phố Thủ Dầu Một tiến hành lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng đua xe trái phép. Ảnh minh họa: TTXVN

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng trên là do cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, còn coi đây là trách nhiệm của riêng lực lượng công an. Cùng với đó, nhiều cha mẹ quá nuông chiều con cái, dễ dàng chi tiền mua xe phân khối lớn cho con nhưng buông lỏng quản lý, không kiểm tra, nhắc nhở. Mặt khác, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều vụ đua xe bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng tham gia chỉ bị xử lý hành chính, khá ít vụ việc bị xử lý hình sự.

Để ngăn chặn tình trạng “quái xế” cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của từ gia đình, nhà trường đến các các cơ quan chức năng. Trước hết, lực lượng cảnh sát khu vực phải nắm chắc địa bàn, phát hiện các đối tượng “đam mê tốc độ” để phối hợp với gia đình, nhà trường giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn từ xa; các lực lượng chức năng cần tích cực nắm thông tin từ nhiều nguồn, tăng cường tổ chức tuần tra, mật phục để chủ động, kịp thời phối hợp ngăn chặn; thường xuyên rà soát, kiểm tra, yêu cầu chủ các cơ sở sửa chữa xe máy cam kết không tham gia “độ” xe cho các đối tượng vị thành niên, thay đổi hình dáng, kết cấu xe trái quy định.

Về phía gia đình, cha mẹ cần nắm bắt tâm lý, sở thích, thường xuyên giáo dục, giám sát chặt chẽ con cái, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn khi con có ý định (biểu hiện), thích thú, tham gia các hoạt động đua xe trái phép; quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, hạn chế tối đa cho con cái sử dụng phương tiện ra đường vào đêm muộn. Đối với nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội cần có nội dung, hình thức giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết không điều khiển phương tiện sai quy định; không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có chế tài xử phạt nặng, không để các “quái xế” coi thường pháp luật...

Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ mới ngăn chặn được các “quái xế”, trả lại bình yên cho những tuyến đường, để nhân dân khi tham gia giao thông không còn nơm nớp lo sợ.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/ngan-chan-ngay-quai-xe-707442