Ngăn chặn thông thầu, bán thầu, chia cắt dự án

'Các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu công khai, minh bạch, tránh tình trạng thông thầu, 'quân xanh, quân đỏ', bán thầu, chia cắt dự án'. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải, tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo diễn ra ngày 17-9 vừa qua.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Chính phủ có lưu ý đặc biệt đến vấn đề này. Bởi lâu nay, ở đâu đó, tình trạng thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, “vận động hành lang” để trúng thầu, bán thầu, chia cắt dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, nhất là các dự án về giao thông - vận tải, vẫn xảy ra một cách nhức nhối…

Phân tích cụ thể hơn, chúng ta có thể hiểu, doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực sẽ tham gia đấu thầu công trình, dự án công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Và thường chỉ những doanh nghiệp yếu kém mới phải nghĩ đến những chiêu trò “đi đêm” trong đấu thầu với mục đích giành giật quyền lợi một cách bất minh.

Những “góc khuất” nói trên không những khiến dư luận nghi ngại, doanh nghiệp không được cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh, mà trong một số trường hợp còn đẩy rủi ro cho cả những người quyết định, quản lý dự án về sau này. Đặc biệt nguy hại và ảnh hưởng lâu dài hơn là làm cho công trình, dự án kém chất lượng, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư… Chưa kể, khi xảy ra vấn đề yếu kém, tồn tại, chủ đầu tư cũng khó quy trách nhiệm vì chính mình trước đó đã có liên đới…

Suy cho cùng, “thông thầu”, “quân xanh, quân đỏ”, “bán thầu”… đều là những hành vi gian lận trong đấu thầu để kiếm lợi bất chính, mà bản chất chính là tham nhũng, tiêu cực.

Trong bối cảnh nước ta đang triển khai xây dựng nhiều dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt ở lĩnh vực giao thông - vận tải, như: Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đường sắt đô thị thành phố Hà Nội; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh… thì việc ngăn chặn ngay từ đầu những vấn nạn trong công tác đấu thầu là rất cấp bách và phải thực hiện cho bằng được để bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình xây dựng, tạo sự yên tâm, tin tưởng trong nhân dân.

Trên tinh thần này, nguyên tắc bất di bất dịch trong công tác đấu thầu là phải nâng cao tính cạnh tranh, công tâm, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, đạt hiệu quả kinh tế. Nói cách khác, việc tổ chức đấu thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu hoặc nhằm tạo sự thuận lợi cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Phải kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chủ đầu tư trong công tác đấu thầu triển khai dự án, công trình cũng vô cùng quan trọng. Ngoài xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ về đấu thầu, việc ra “đầu bài” với doanh nghiệp dự thầu cần phải xem xét dựa trên năng lực tài chính, nhân lực và trang thiết bị máy móc…; đặc biệt là kinh nghiệm của những đơn vị này đối với các công trình, dự án đang triển khai đấu thầu.

Một giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay mà các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể nghiên cứu, mở rộng là đấu thầu qua mạng. Nếu làm được việc này sẽ bảo đảm tính minh bạch thông tin, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng, giảm thời gian đi lại và thủ tục hành chính cho nhà thầu, góp phần giảm thiểu tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, đây là việc mới, do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan để bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc đấu thầu; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu. Đồng thời, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò của người đứng đầu; phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ trong công tác giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa nhà thầu với chủ đầu tư để thực hiện các gói thầu đạt hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng như cam kết khi trúng thầu.

Ở tầm vĩ mô, hệ thống quy phạm pháp luật về đấu thầu cũng đang từng bước được hoàn thiện, phù hợp thông lệ quốc tế. Mới đây, ngày 20-9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại cuộc họp, nêu tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực, vậy luật khắc phục tình trạng này ở chỗ nào? Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Chắc chắn là có lỗ hổng thì mới diễn ra tình trạng này và lỗ hổng hiện nay có phải ở luật không? Nếu hổng thì hổng ở đâu và vá ở đâu, sửa chỗ nào?...

Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực rất lớn để phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là phải thực hiện thật tốt, vì đất nước, vì nhân dân.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1042996/ngan-chan-thong-thau-ban-thau-chia-cat-du-an