NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG BUÔN BÁN PHÁO TRÁI PHÉP

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên cả nước liên tục phát hiện, triệt phá nhiều đường dây buôn bán pháo nổ, pháo hoa lậu. Đáng chú ý, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Nếu như những năm trước việc giao dịch chủ yếu được thực hiện trực tiếp, thì nay, để tránh bị lộ, các đối tượng đã “phát huy” ưu thế của internet, giao dịch gián tiếp qua mạng xã hội (MXH). Người bán, người mua hoàn toàn không biết, không cần gặp nhau. Người có nhu cầu mua pháo chỉ cần đăng ký tham gia các nhóm mua bán pháo trên MXH, chuyển tiền vào tài khoản người bán, sau đó “hàng” sẽ được chuyển đến tận nơi thông qua các tài xế “xe ôm”, thậm chí các đối tượng bán pháo còn đóng gói kín, chuyển qua đường bưu điện.

Hậu quả của việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại pháo cấm thì ai cũng rõ. Khi chưa có quy định cấm pháo nổ, mỗi năm, nhất là dịp Tết đến, xuân về, có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương do tai nạn từ pháo. Ngoài thiệt hại về tính mạng con người, còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác, như: Tổn thất về kinh tế, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường... Chính vì vậy, ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 406-TTg cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ từ ngày 1-1-1995. Tiếp đó, ngày 15-4-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, trong đó nghiêm cấm việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ và các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa... Sau nhiều năm cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ về pháo, một vài năm gần đây, tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép lại diễn biến phức tạp. Ở không ít địa phương đã tái xuất hiện tình trạng đốt pháo nổ vào những ngày lễ, tết...

 Đồn Biên phòng Ia Nan (tỉnh Gia Lai) bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo lậu. Ảnh: qdnd.vn

Đồn Biên phòng Ia Nan (tỉnh Gia Lai) bắt giữ đối tượng vận chuyển pháo lậu. Ảnh: qdnd.vn

Câu hỏi đặt ra là làm gì để ngăn chặn tình trạng buôn bán pháo trái phép? Có cầu ắt có cung. Một khi nhu cầu sử dụng pháo vẫn còn thì sẽ vẫn có những kẻ vì hám lợi mà thực hiện hành vi buôn lậu pháo. Vì vậy, tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân hiểu rõ sự nguy hại, từ đó “nói không” với các loại pháo cấm là gốc của vấn đề. Bên cạnh đó, cũng cần đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân bằng những sản phẩm pháo phù hợp. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP. Theo đó, từ ngày 11-1-2021 cho phép các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa không gây ra tiếng nổ dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật... Chính quyền và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng người dân khi có nhu cầu thì sử dụng các loại pháo hoa này thay vì tìm đến các loại pháo nổ, pháo hoa lậu.

Một vấn đề quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép là phải cắt nguồn cung. Các loại pháo cấm xuất hiện trong nước hầu hết có nguồn gốc từ nhập lậu. Bởi vậy, nếu lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ biên giới, kiểm soát tốt thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, bóc gỡ các đường dây buôn lậu pháo, xóa bỏ các trang web buôn bán pháo trái phép trên MXH... thì pháo lậu sẽ không còn đất sống. Để làm được việc này, cần tăng cường triển khai các hoạt động nghiệp vụ, các chuyên án đấu tranh với tội phạm về pháo, nhất là trong dịp cao điểm Tết, đồng thời gắn trách nhiệm của lực lượng chức năng, cán bộ, công chức thực thi công vụ, quản lý thị trường... với hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm về pháo nói riêng.

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/ngan-chan-tinh-trang-buon-ban-phao-trai-phep-650641