Ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tội phạm tiến công vào các ngân hàng, các phòng giao dịch ngân hàng để cướp tài sản. Riêng năm 2018, có tới sáu vụ việc nổi cộm. Hồi 15 giờ ngày 26-1-2018, tại phòng giao dịch Dĩnh Kế thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Bắc Giang, đối tượng sử dụng súng tự chế, khống chế đe dọa nhân viên ngân hàng và cướp đi số tiền là 1,1 tỷ đồng.

10 giờ 15 phút ngày 5-9-2018, tại phòng giao dịch Ninh Hòa thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Khánh Hòa, hai đối tượng đi xe máy, bịt mặt và sử dụng súng tự chế, khống chế bảo vệ ngân hàng, đe dọa, uy hiếp các nhân viên, khách hàng tại phòng giao dịch và cướp 4,5 tỷ đồng. Ở một vụ khác, hồi 16 giờ 23 phút ngày 13-9-2018, tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) Tân Hiệp, huyện Châu Giang, tỉnh Tiền Giang, đối tượng đi xe máy, trùm kín mặt, vào phòng giao dịch sử dụng súng, khống chế, yêu cầu nhân viên phải bỏ tiền vào túi, sau đó lên xe máy tẩu thoát, số tiền bị cướp là 945 triệu đồng. Rồi vụ cướp tiền tại Ngân hàng Việt Á xảy ra vào ngày 7-12-2018 tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh... Những vụ việc nêu trên cho thấy, loại tội phạm cướp ngân hàng đang ngày càng liều lĩnh và gây nguy hiểm cho xã hội.

Theo nghiên cứu của Bộ Công an, trước khi thực hiện vụ cướp, các đối tượng thường nghiên cứu, tìm hiểu về quy luật và sơ hở trong công tác bảo vệ, giao dịch của trụ sở mục tiêu. Khi thực hiện thường chỉ có từ một đến hai đối tượng, di chuyển bằng xe máy đến hiện trường, lợi dụng thời điểm phòng giao dịch vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung đã bất ngờ sử dụng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ, nhân viên rồi cướp số tiền lớn, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. Khi gây án, đối tượng thường đội mũ, đeo khẩu trang, bịt mặt, đi găng tay. Các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng xảy ra cướp thường không lắp đặt hệ thống báo động, hoặc có nhưng không kết nối với cơ quan chức năng, hay hệ thống báo động không có tác dụng, nhân viên không tiếp cận được khi đối tượng đe dọa, khống chế, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt đối tượng.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tiến công ngân hàng, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh, tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Trong đó, hệ thống ca-mê-ra giám sát cần được bố trí cả công khai và bí mật, có khả năng theo dõi, kiểm soát từ xa bên ngoài và bên trong trụ sở giao dịch, chất lượng hình ảnh phải đạt chuẩn, có mầu sắc và độ phân giải cao, rõ nét để phục vụ quá trình điều tra, truy xét, nhận dạng đối tượng gây án, phương tiện sử dụng, hướng đến và đi của đối tượng. Hoặc phải lắp đặt hệ thống báo động và phát tín hiệu khẩn cấp được kết nối với cơ quan công an gần nhất và bố trí tại những nơi nhân viên có thể dễ dàng tiếp cận, bí mật kích hoạt. Xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy, bố trí trong và ngoài cửa bảo đảm có thể phát hiện ngay lập tức vụ cướp và có phương án đối phó.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo cán bộ, nhân viên ngân hàng đặc biệt chú ý cảnh giác trong những thời điểm ít khách giao dịch, có lưu lượng tiền lớn. Trang bị công cụ hỗ trợ được pháp luật cho phép sử dụng để nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ và ngăn chặn các vụ cướp. Tổ chức tập huấn cho nhân viên ngân hàng các kỹ năng cần thiết để sớm phát hiện, đối phó các vụ cướp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng để phổ biến cho nhân viên, bảo vệ các ngân hàng, phòng giao dịch, chi nhánh. Chú ý nâng cao tinh thần cảnh giác, điều chỉnh các quy định làm việc, tiếp khách, hạn chế các sơ hở để đối tượng cướp ngân hàng lợi dụng gây án.

Hơn nữa, các phòng giao dịch cần yêu cầu khách đến giao dịch phải bỏ che mặt, mũ bảo hiểm, bố trí khu vực ngồi chờ riêng với khu vực giao dịch. Dán thông báo để nâng cao tinh thần cảnh giác cho khách hàng và răn đe các đối tượng.

Lê Tú

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/39877402-ngan-chan-toi-pham-cuop-ngan-hang.html