Ngăn 'Giấc mộng Trung Hoa' ở Nam Thái Bình Dương

Các nước Nam Thái Bình Dương như Australia và New Zealand như giật mình choàng tỉnh trước 'giấc mộng Trung Hoa' xâm lấn tới khu vực ngỡ như lãnh địa của mình thông qua Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'.

Từ trái qua: Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Papua New Guinea Peter Oneill và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence công bố dự án phát triển điện năng Papua New Guinea

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra ở Papua New Guinea, Thủ tướng các nước Australia, New Zealand, Nhật Bản cùng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhất trí với giới chức chủ nhà Papua New Guinea về một dự án phát triển điện năng để giúp 70% số dân quốc gia Nam Thái Bình Dương này có thể tiếp cận điện năng trước năm 2030, so với mức 3% hiện nay. Dự án phát triển hạ tầng đa phương này được xem là một hành động cụ thể nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng đang gia tăng trong khu vực của Trung Quốc thông qua việc triển khai Sáng kiến “Vàng đai và Con đường”.

Nói đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013 với cái tên ban đầu “Một vành đai, Một con đường”, sau được đổi thành BRI năm 2017 - không ít người nghĩ rằng nó chỉ là nhằm tái tăng cường ảnh hưởng và sự chi phối của Trung Quốc theo “Con đường tơ lụa” năm xưa xuyên từ Trung Quốc sang Trung Đông. Thực ra, “Con đường tơ lụa” trong thế kỷ 21 chính là con đường đưa Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc toàn cầu, từ Bắc Kinh vươn về phía Tây qua Trung Á, Nam Á, Trung Đông và tới tận Lục địa Đen; về phía Đông và phía Nam xuống Đông Nam Á và cả Nam Thái Bình Dương.

Với một Trung Quốc đang trỗi dậy cùng với sức mạnh của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới với GDP lên tới hơn 13.000 tỷ USD, cách trở đại dương xa xôi không còn là trở ngại để Bắc Kinh phủ bóng ảnh hưởng tới Nam Thái Bình Dương. Với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ tới 3.000 tỷ USD, Trung Quốc bỏ ra khoản nhỏ là đủ để quốc gia trở thành đối tác viện trợ lớn thứ hai cho khu vực Nam Thái Bình Dương kể từ năm 2011 với tổng giá trị viện trợ và vay ưu đãi chỉ có hơn 1,3 tỷ USD.

Chỉ với chi phí không đáng kể so với tiềm lực kinh tế của mình, song xem ra Trung Quốc đã đạt được mục đích tối đa khi cho Tonga vay 65 triệu USD để xây dựng lại thủ đô sau các cuộc bạo loạn năm 2006, nhưng các khoản vay bổ sung cùng lãi mẹ đẻ lãi con đã khiến tổng số nợ đến nay lên đến 115 triệu USD, tương đương 1/3 GDP hàng năm của quốc gia nhỏ bé này. Con số nợ quá lớn đã khiến Tonga không khỏi giật mình khi nhìn vào bài học của đất nước Sri Lanka khi rơi vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Sáng kiến “Vàng đai và Con đường” nhằm hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” đưa Trung Quốc lên vị thế cường quốc chi phối trên toàn cầu vì thế không chỉ “thò bàn tay” trên đất liền sang phía Tây mà đã vượt biển tới tận Nam Thái Bình Dương. Vốn xem khu vực này như “mảnh trời riêng” của mình, Australia cùng các đồng minh New Zealand và nhất là Mỹ và Nhật Bản nhận thấy không thể không hành động trước khi quá muộn.

Trước thềm Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-11 tại Papua New Guinea, Australia đã công bố việc thành lập một quỹ phát triển trị giá 2 tỷ USD hỗ trợ các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương triển khai các dự án cơ sở hạ tầng, cũng như tăng cường hợp tác quân sự. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện tại Papua New Guinea để tham dự Hội nghị cấp cao APEC, Australia cùng các đồng minh thân cận New Zealand, Nhật Bản và Mỹ lại “đáp trả” bằng dự án phát triển điện năng tại quốc gia mà Bắc Kinh cũng đang đổ vào đây cả trăm triệu USD để phát triển hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến “Vàng đai và Con đường”.

Các quốc gia Nam Thái Bình Dương như Australia và New Zealand cùng các đồng minh Mỹ và Nhật Bản rõ ràng đang hành động nhằm ngăn “giấc mộng Trung Hoa” tại khu vực này.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ngan-giac-mong-trung-hoa-o-nam-thai-binh-duong/790551.antd