Ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng dành riêng cho vay tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản 8444/2024 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các nhiệm vụ ngành ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu cho vay tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.

Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất

Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát trong và ngoài nước để chủ động tham mưu. Đồng thời đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo toàn hệ thống.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Cùng với đó, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay. Tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất các biện pháp điều phối hợp lý để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn. Đảm bảo dòng vốn hưởng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

 Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tập trung cho vay tiêu dùng, những lĩnh vực ưu tiên. Ảnh minh họa

Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cần tập trung cho vay tiêu dùng, những lĩnh vực ưu tiên. Ảnh minh họa

Tập trung cho vay tiêu dùng

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, đúng quy định pháp luật. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực vay tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Hiện gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội đã tăng từ 120.000 tỉ đồng lên 140.000 tỉ đồng. Riêng gói tín dụng hỗ trợ lâm thủy sản có quy mô ban đầu là 30.000 tỉ đồng, đến nay dự kiến tăng lên khoảng 60.000 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sau bão số 3.

Số thống kê của NHNN cho thấy, đến giữa tháng 9 vừa qua, gói tín dụng lâm, thủy sản đã giải ngân được 36.000 tỉ đồng, vượt 6.000 tỉ đồng so với hạn mức đưa ra đầu năm nay.

Tại Agribank, sau khi giải ngân hết 3.000 tỉ đồng vốn tín dụng ưu đãi đăng ký hồi đầu năm đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, ngân hàng này tiếp tục dành thêm 8.000 tỉ đồng cho khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu thu mua, xuất khẩu, chế biến. Qua đó, đưa quy mô gói tín ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên đến 13.000 tỉ đồng.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết: Đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng truyền thống tức là tính cả cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm và không có tài sản bảo đảm dư nợ có tăng lên nhưng không nhiều. Nhưng riêng đối với cho vay tiêu dùng qua kênh số, các tháng gần đây dư nợ có dấu hiệu tăng trưởng tốt.

"Bên cạnh đó, cùng với sự “mở cửa” của Thông tư số 12/2024 của Ngân hàng Nhà nước quy định các khoản vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng không cần lập phương án sử dụng vốn khả thi, TPBank dự kiến tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cuối năm khoảng 25%. Trong đó dư nợ các sản phẩm vay tiêu dùng qua kênh số sẽ tăng trưởng trên 35%, đạt hơn 5.000 tỉ đồng.

Đối với các khoản vay qua kênh số, TPBank ứng dụng Big Data, phát triển các mô hình dữ liệu để đánh giá hành vi khách hàng, đưa các sản phẩm tài chính số đến khách hàng đúng lúc, đúng thời điểm, đơn giản hóa các bước thủ tục, và thao tác được ngay trên các nền tảng dịch vụ khách hàng đã và đang quen sử dụng như Momo, Shopee. Dựa trên chính trải nghiệm sử dụng dịch vụ của từng khách hàng, sản phẩm cũng được cá nhân hóa về hạn mức, một số tính năng sản phẩm, mức độ tương tác hỗ trợ khách hàng, qua đó giúp cải thiện trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng tại TPBank”, ông Hưng cho biết thêm.

Tại văn bản 8444/2024, Thống đốc NHNN còn yêu cầu các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.

Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xem xét giảm thêm lãi suất cho vay.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-can-day-manh-cho-vay-tieu-dung-post815220.html