Ngân hàng đang giữ 185.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vì giúp 'khách hàng' đảo nợ

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đảo nợ để biến nợ xấu thành nợ tốt thông qua hành động mua trái phiếu doanh nghiệp là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro...

Bài liên quan

Bí ẩn doanh nghiệp từng sở hữu khách sạn Hilton Hà Nội mua lại toàn bộ nợ trái phiếu dù mới phát hành

Tương lai của trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021

Ngân hàng đang giữ 185.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp vì giúp “khách hàng” đảo nợ.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong phạm vi 14 ngân hàng thương mại mà SSI theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 76% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng này đầu tư tại 31/12/2020 là khoảng 185.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, tỷ trọng bình quân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong tổng tín dụng của các ngân hàng này tăng từ 2,5% lên 3,2%. Các ngân hàng sở hữu lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất gồm TCB, VPB, MBB.

Tính đến thời điểm cuối năm 2020, lượng trái phiếu các doanh nghiệp phi ngân hàng đang lưu hành ước khoảng 537.000 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng sở hữu khoảng 35%, thấp hơn mức 37% tại cuối 2019.

Trong khi các ngân hàng thương mại nhà nước chật vật tăng trưởng tín dụng (trừ Vietcombank) thì nhiều ngân hàng thương mại tư nhân như Techcombank, VPBank, SHB, TPBank, MBB… vẫn sống khỏe vì mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, SSI nhận định.

Bình luận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với con số này cho thấy rất có thể ngân hàng “lách luật” cho vay, đảo nợ bằng trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vì, trong thời điểm lãi suất đang rơi vào “vùng trũng” thì việc ngân hàng cố gắng đa dạng hóa danh mục là điều bình thường.

Đồng thời, các ngân hàng đều có bộ quy chuẩn để đánh giá sức khỏe của đơn vị phát hành trước khi đưa ra quyết định đầu tư.Tuy nhiên, khả năng đảo nợ của doanh nghiệp là điều đáng quan ngại bởi thực ra đây chỉ là thao tác để ngân hàng hợp thức hóa quy trình.

Còn trên thực tế có thể hiểu rằng, ngân hàng bỏ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp dùng chính số tiền này để trả nợ cũ tại ngân hàng.

"Trong trường hợp đảo nợ để tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp lành mạnh thì là việc tốt. Nhưng nếu đảo nợ để biến nợ xấu thành nợ tốt thông qua hành động mua trái phiếu doanh nghiệp là trái quy định, cần có thanh tra giám sát từ cơ quan quản lý để tránh rủi ro", ông Hiếu nhấn mạnh.

Thậm chí, theo một chuyên gia, ngân hàng sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp liền bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp, trong khi nhiều trái phiếu đã lách luật để “nhân bản” tài sản đảm bảo. Vì thế việc ngân hàng đứng ra mua lại trái phiếu doanh nghiệp rồi phân phối thông qua con được bảo lãnh cũng “hàm ẩn” rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bên rõ “trong chăn có rận” nhất là phía ngân hàng cũng từng thừa nhận đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ.

Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.Do đó, thời gian này Ngân hàng Nhà nước vẫn đang triển khai lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng với quy định chặt chẽ hơn.

Những quy định này xuất phát từ thực tiễn quản lý cho thấy có những rủi ro trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại, phía Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề (trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định).

Cùng với đó, dự thảo quy định tổ chức tín dụng sẽ không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng) cũng như không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng.

Đồng thời ngân hàng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con… được kỳ vọng sẽ hạn chế được việc ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay “nhân bản” tài sản đảm bảo.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-dang-giu-185000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-vi-giup-khach-hang-dao-no-post122294.html