Ngân hàng để 'mất' sổ hồng, 13 năm sau khách mới đòi lại được
Sau vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một chi nhánh ngân hàng thuộc tỉnh Đắk Lắk, các bên liên quan trầy trật giải quyết hậu quả suốt 13 năm.
Ngày 22-2, thông tin từ UBND TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết cơ quan này đã hủy giá trị pháp lý nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) để thi hành Bản án số 12/2017/HS-PT ngày 22-11-2017 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Trước đó, UBND TP Buôn Ma Thuột có nhiều thông báo, yêu cầu người dân (cũng là bị hại) trả lại sổ hồng được xác định là vật chứng liên quan đến một vụ án hình sự xảy ra cách đây hơn 13 năm nhưng người dân không chấp hành.
Nhân viên ngân hàng mang sổ hồng ra ngoài cầm cố
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2009 đến 2010, Võ Thị Hồng Điệp (58 tuổi) lúc đó là nhân viên tín dụng của Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Tân Lập (Agribank Tân Lập), TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng của khách hàng để tiêu xài cá nhân, gây thiệt hại cho ngân hàng.
Cũng trong khoảng thời gian trên, bà Điệp lấy tám sổ hồng của khách hàng đã làm thủ tục vay vốn tại Agribank Tân Lập rồi đem ra ngoài cầm cố, vay mượn hơn 23 tỉ đồng của nhiều bị hại.
Năm 2011, các cấp tòa đã tuyên phạt bà Điệp mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài bà Điệp, tòa xác định ông Lương Ngọc Hoàng (cựu trưởng phòng Tín dụng Agribank Tân Lập) phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án, ông Hoàng thiếu kiểm tra, giám sát, trong việc nhập kho tám sổ hồng của khách hàng đã làm hồ sơ thế chấp. Do đó, để cho bà Điệp lấy được tám sổ hồng ra ngoài thế chấp, vay tiền của nhiều người khác.
Với hành vi trên, ông Hoàng bị các cấp tòa kết án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trầy trật giải quyết hậu quả
Theo tìm hiểu của PV, vụ án xảy ra tại Agribank Tân Lập đã để lại hậu quả nặng nề đối với nhiều bị hại.
Ông NVT (ngụ TP Buôn Ma Thuột) cho biết năm 2010, ông thế chấp sổ hồng tại ngân hàng này để vay 600 triệu đồng.
Khi sổ hồng thế chấp bị thất lạc, ông T không thể thanh toán được khoản vay. Nhiều lần đòi hỏi quyền lợi không được, ông T cùng nhiều hộ dân khác (cùng bị mất sổ hồng) đã nộp đơn khởi kiện ngân hàng ra tòa.
Năm 2019, TAND TP Buôn Ma Thuột đã tổ chức hòa giải cho các bên. Phía ngân hàng đồng ý miễn, giảm một phần lãi suất cho những người vay bị bà Điệp lấy sổ hồng ra ngoài cầm cố.
“Vụ việc kéo dài mười mấy năm, chúng tôi thiệt thòi đủ thứ, không thể diễn tả hết được” - ông T (người bị mất sổ hồng) nói sau khi được nhận sổ hồng mới.
Đồng thời, các bên cũng cam kết cùng phối hợp, liên hệ với cơ quan chức năng để làm lại sổ hồng cho những người liên quan.
“Cuối năm 2023, tôi biết tin ngân hàng đã làm được sổ hồng nên lập tức thanh toán khoản vay và đã lấy sổ hồng về. Vụ việc kéo dài mười mấy năm, chúng tôi thiệt thòi đủ thứ, không thể diễn tả hết được” - ông T nói.
Tương tự, bà DTKH (ngụ phường Tân An) xác nhận mới đây đã thanh toán khoản nợ tại ngân hàng để lấy sổ hồng về.
Theo bà H, vụ việc kéo dài hơn 13 năm khiến bà quá mệt mỏi, không muốn nhắc lại nhiều. “Chúng tôi đã kiện ngân hàng ra tòa để đòi quyền lợi. Mới đây, gia đình tôi được làm lại sổ hồng nên đã thanh toán xong khoản vay” - bà H nói.
Ở diễn biến khác, vào năm 2011, trong quá trình xét xử, các cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đến việc xử lý tám sổ hồng do bà Điệp lấy của khách hàng thế chấp tại ngân hàng ra ngoài cầm cố.
Năm 2017, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy các bản án trước đó để xét xử lại.
Ngày 22-11-2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, ban hành Bản án số 12/2017/HS-PT, buộc những người liên quan phải trả lại sổ hồng (do bà Điệp lấy ra ngoài cầm cố) cho Agribank Tân Lập.
Để thi hành các bản án trên, UBND TP Buôn Ma Thuột đã nhiều lần ra thông báo, yêu cầu những cá nhân đang giữ sổ hồng do bà Điệp cầm cố phải giao nộp về Phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột nhưng người dân không chấp hành.
Cuối năm 2023, UBND TP Buôn Ma Thuột đã phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành hủy bỏ giá trị các sổ hồng (do bà Điệp cầm cố) mà người dân đang giữ liên quan đến bản án của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, hiện các đơn vị liên quan đã cấp lại sổ hồng mới, giao trả về Agribank Tân Lập theo bản án tòa tuyên.
Ông Đàm Công Văn, Giám đốc Agribank Tân Lập, cho biết đến thời điểm hiện tại đơn vị đã giải quyết được các sổ hồng liên quan đến vụ án để giao trả cho khách hàng.
“Mới đây, chúng tôi đã được cấp lại sổ hồng để giao cho khách hàng. Mọi việc giải quyết xong rồi” - ông Văn nói.
Chuyển đơn của một số bị hại đến TAND Tối cao
Bản án số 12/2017/HS-PT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định các sổ hồng liên quan cũng là vật chứng của vụ án đã được chủ thể thế chấp, vay vốn tại ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng là tổ chức được quản lý các sổ hồng người dân đã làm hợp đồng thế chấp vay vốn.
Do đó, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên buộc những bị hại đang giữ sổ hồng liên quan đến vụ án phải trả lại cho Agribank Tân Lập.
Bà VTPA, người đang giữ hai sổ hồng liên quan đến vụ án, thì cho biết bà không đồng ý trả để tiếp tục đấu tranh, yêu cầu phía ngân hàng liên đới bồi thường thiệt hại.
Theo bà A, thời gian qua, bà cùng nhiều bị hại khác liên tục làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại Bản án số 12/2017/HS-PT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
Đến ngày 16-2-2024, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chuyển đơn của bà A và những người liên quan đến TAND Tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-hang-de-mat-so-hong-13-nam-sau-khach-moi-doi-lai-duoc-post777373.html