Ngân hàng đồng hành cùng nông thôn mới

Đồng vốn ngân hàng góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào phong trào xây dựng nông thôn mới...

Đó là những nhận định tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên, vừa được tổ chức tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lực đẩy từ vốn ngân hàng

Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gồm 13 tỉnh, thành, tổng diện tích khoảng 98.895 km2 (29,6% cả nước); dân số trên 15 triệu người (16% cả nước), với hơn 40 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống... Sau gần 10 năm thực hiện chương trình NTM, khu vực đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ và huy động từ các nguồn lực khác khoảng 365 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, nguồn vốn tín dụng đang chiếm phần lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2019, nguồn vốn tín dụng chiếm đến 72,6%.

Đánh giá hiệu quả của vốn tín dụng đối với phong trào xây dựng NTM, ông Y Giang Gry Niê Knơng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, vốn vay từ ngân hàng là một trong những “kênh” quan trọng giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. “Trong chương trình xây dựng NTM, vốn ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư hạ tầng, hạng mục, đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM”, ông Knơng nói thêm.

Quả vậy, để chung tay xây dựng NTM, thời gian qua NHNN chi nhánh các tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ - Tây nguyên chủ động phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn tham mưu UBND tỉnh, thành hướng dẫn triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của NHNN về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay xây dựng NTM, phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

Bên cạnh đó, NHNN các chi nhánh trên địa bàn tăng cường chỉ đạo các TCTD, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chủ động, ưu tiên tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn, NTM, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân.

Đồng thời, mở rộng mạng lưới tại vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn phù hợp với điều kiện thực tế. Các TCTD cũng công khai, minh bạch quy trình, thủ tục vay vốn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn; lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng ở mức thấp, tạo điều kiện cho bà con tiếp cận được nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như Quảng Nam - một trong những điểm sáng về phong trào xây dựng NTM ở khu vực. Đại diện NHNN chi nhánh Quảng Nam cho biết, tín dụng ngân hàng trong thời gian qua luôn ưu tiên tập trung vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM. Dư nợ cho vay NTM chiếm tỷ trọng cao và tăng đều qua các năm. Từ dư nợ ban đầu đạt 17,8 tỷ đồng vào cuối năm 2010, sau hơn 9 năm triển khai, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã cho vay xây dựng NTM đến 204 xã trên địa bàn.

Đến 30/6/2019, doanh số cho vay từ đầu chương trình đạt 34.074,68 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 22.370 tỷ đồng, dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại đạt trên 11.704 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 189.168 khách hàng, chiếm 16,91% dư nợ cho vay toàn địa bàn...

Lấy người dân làm chủ thể

Bên cạnh hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đồng vốn ngân hàng còn đóng góp tích cực vào việc nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Theo đó, đã có khoảng 11.000 km đường giao thông nông thôn được xây dựng mới bằng bê tông hoặc nhựa hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia và trên 99% số thôn, bản có điện.

Bên cạnh sự phát triển của kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đã được các tỉnh, thành trong khu vực bước đầu chú trọng, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện...

Tuy nhiên, trên thực tế, địa hình ở khu vực bị chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Đặc biệt, do xuất phát điểm thấp so với nhiều khu vực khác nên đến nay phong trào xây dựng TNM ở Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 8/2019, số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là 604/1.424 xã, chiếm 42,41% (cả nước có 4.522 xã đã đạt chuẩn, chiếm 50,8%). Như vậy, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn duy nhất miền núi phía Bắc (26,45% số xã đạt chuẩn)...

Ngay tại hội nghị, nhiều đại biểu tham gia đã chỉ ra những bất cập khiến kết quả xây dựng NTM ở khu vực mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. 27 huyện thuộc 9 tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM; xây dựng NTM còn thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện, chưa có tính lan tỏa mô hình điển hình; chất lượng công nhận xã đạt chuẩn NTM ở một số nơi còn chưa bảo đảm.

Hầu hết, các địa phương mới chú trọng vào triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cơ sở, chưa quan tâm nhiều đến tổ chức, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng lo hơn, tiến độ xây dựng NTM ở nhiều địa phương đang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây. Ngay trong hoạt động ngân hàng, khi cho vay nông nghiệp nông thôn cũng đang gặp những khó khăn.

Đơn cử, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở khu vực nông thôn mặc dù hiện nay đã đạt kết quả khá nhưng vẫn còn nhiều trường hợp chưa đáp ứng được thủ tục và điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Với tinh thần, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân phải là chủ thể... để chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM ở khu vực thành công như mục tiêu đã đặt ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải xác định xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là thế mạnh ở khu vực. Các tỉnh, thành phải coi đây là sự nghiệp của dân, và không ai làm thay cho các địa phương, làm tốt bằng các địa phương.

Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá ở các vùng nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân...

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-dong-hanh-cung-nong-thon-moi-91915.html