Ngân hàng mạnh tay đầu tư bảo mật, khách hàng vẫn lo mất tiền

Có ngân hàng chi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD mua các thiết bị công nghệ bảo mật ở mức độ cao, đạt chuẩn quốc tế, nhưng do nhân sự quản trị mạng lại yếu kém, nên vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn thông tin.

Các ngân hàng mạnh tay đầu tư cho an ninh thông tin và luôn cập nhật các phương thức bảo mật mới, nhưng tình trạng khách hàng mất tiền trong tài khoản vẫn diễn ra.

Các ngân hàng mạnh tay đầu tư cho an ninh thông tin và luôn cập nhật các phương thức bảo mật mới, nhưng tình trạng khách hàng mất tiền trong tài khoản vẫn diễn ra.

Các chuyên gia cho rằng, an toàn cho dịch vụ ngân hàng số là điều kiện mang tính sống còn trong kế hoạch phát triển kinh doanh của các tổ chức tín dụng và cũng được coi là “tấm kim bài” để Việt Nam đạt được mục tiêu hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt.

Lo mất tiền không rõ lý do

Ông Trần Việt Luận (quận.Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh về việc số tiền 406 triệu đồng trong tài khoản mở tại một ngân hàng thương mại chi nhánh Nam Bình Dương bị “bốc hơi” trong ngày 4/9. Cụ thể, thông qua ứng dụng ngân hàng số, khoản tiền trên được chuyển đến 2 chủ tài khoản khác nhau ở 2 ngân hàng khác nhau trong thời điểm ông đang... ở nhà xem ti vi. Ngay lập tức, ông đã liên hệ ngân hàng cấp thẻ để ngăn chặn việc chuyển tiền trong tài khoản. Sau 10 ngày phản ánh, ông Luận trực tiếp đến ngân hàng và gửi đơn yêu cầu giải quyết vụ việc.

Sau 15 ngày chờ đợi, ông Luận nhận được công văn phản hồi từ phía ngân hàng cấp thẻ cho biết, tài khoản của ông đã đăng nhập trên một thiết bị mới vào lúc 11 giờ ngày 4/9 và thực hiện hợp lệ 4 giao dịch chuyển khoản với tổng số tiền là 406 triệu đồng; nhà mạng Vinaphone đã gửi mã xác thực các giao dịch bằng tin nhắn SMS đến ông Luận.

Theo khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, bảo mật vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt.

Cụ thể, khi được hỏi về những lo ngại nhất khi sử dụng điện thoại để thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam liệt kê những trường hợp như khi họ mất điện thoại, điện thoại bị hack hoặc xâm nhập trái phép vào dữ liệu cá nhân, điện thoại bị nhiễm virus hay cài đặt phần mềm độc hại.

Chia sẻ tại một hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt mới đây, Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho hay, trong các vụ án đã triệt phá, có những đối tượng sở hữu trong tay hàng nghìn tài khoản cá nhân, hàng trăm thẻ ATM để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, thủ đoạn, hành vi của những đối tượng này liên tục thay đổi, tinh vi, mang tính ẩn danh cao hoặc nặc danh, giả mạo danh nghĩa của những tổ chức, cá nhân có uy tín để lừa đảo...

Do đó, Đại tá Trương Sơn Lâm khuyến cáo, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ, hoàn thiện cơ chế pháp lý, chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng...

"Các giao dịch trong nền kinh tế số diễn ra rất nhanh, nếu cứ chờ đợi văn bản giấy tờ sẽ không thể kịp xử lý. Do đó, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan với cơ chế tiện lợi nhất", Đại tá Trương Sơn Lâm nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức cho khách hàng

Với trường hợp của ông Trần Việt Luận, một chuyên gia cho rằng, khách hàng đã bị hack tài khoản. Vì vậy, việc đòi lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xác minh xem lỗi thuộc về khách hàng hay ngân hàng.

Tuy nhiên, dưới góc độ của ngân hàng, theo ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, hiện nay Việt Nam đã có đầy đủ khung pháp lý bảo vệ người dân và doanh nghiệp như Luật An ninh mạng. Trong khi đó, ngành ngân hàng cũng đầu tư hệ thống để đảm bảo an toàn, các phương thức phòng chống rủi ro và tăng cường nhận thức cho khách hàng trong việc cảnh báo các hành vi, thủ đoạn lừa đảo.

“Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngân hàng, không chỉ là giới truyền thông, mà của nhiều đơn vị khác, để làm sao cho khách hàng nhận thức vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng bên cạnh đó khách hàng phải quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân của mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ từ thực tế của Vietcombank, ông Tuấn cho hay, về mặt nội bộ, ngân hàng luôn đầu tư cho an ninh thông tin và luôn cập nhật các phương thức bảo mật mới.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đầu tư cho công nghệ là xu hướng tất yếu, nhưng rủi ro an ninh mạng là một thách thức lớn và phải được quan tâm.

Đáng chú ý, với lĩnh vực ngân hàng, mặc dù đầu tư hệ thống công nghệ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, công nghệ bảo mật có mức độ cao, tiệm cận hoặc đạt chuẩn quốc tế..., nhưng vẫn do con người vận hành lại đang có vấn đề.

Theo ông Lực, việc tuyển nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin vừa biết kinh doanh ngân hàng, vừa biết quản trị mạng là vô cùng khó khăn đối với ngành ngân hàng. Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này của Việt Nam chưa nhiều.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng lưu ý, việc chuẩn bị nguồn nhân sự số là yêu cầu vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh doanh số nói chung, hoạt động ngân hàng số nói riêng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ngan-hang-manh-tay-dau-tu-bao-mat-khach-hang-van-lo-mat-tien-1075214.html