Ngân hàng TMCP Quân đội: Tự tin bứt phá

Hoàn thành xuất sắc chiến lược giai đoạn 5 năm và kết quả kinh doanh năm 2016 rất khả quan đã tạo 'sức bật' để Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vững vàng, tự tin bước vào giai đoạn chiến lược mới. Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh những kế hoạch phát triển của MB năm 2017 và thời gian tới.

Phóng viên (PV): Năm 2016, MB đã đạt được những kết quả hoạt động rất khả quan. Xin Thượng tướng phân tích một vài điểm nổi bật trong kết quả đó?

Thượng tướng Lê Hữu Đức: Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, MB có kết quả hoạt động kinh doanh tốt thể hiện ở sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh doanh chính so với năm 2015 như: Tổng tài sản đạt 256.259 tỷ đồng, tăng 15,9%; huy động vốn đạt 194.812 tỷ đồng, tăng 7,3%; dư nợ đạt 150.738 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.651 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 2015 (trong đó lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 3.711 tỷ đồng, tăng 17,8%); nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức 1,32% (thấp hơn mức kế hoạch là

MB đã hoàn thành các kế hoạch đề ra tại Đại hội cổ đông năm 2016 như: Tăng vốn điều lệ; hoàn thành kế hoạch chi trả cổ tức; hoàn thành việc triển khai và đưa vào hoạt động hai công ty mới trong trong lĩnh vực Bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas Life) và Tài chính tiêu dùng (MCredit) đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện mô hình tập đoàn của MB; hoàn thành việc điều chỉnh giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 20%; ổn định cơ cấu cổ đông và củng cố quan hệ với một số đối tác chiến lược và cổ đông đã gắn bó lâu năm. Đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển MB giai đoạn 2017-2021, sẵn sàng chuẩn bị cho sự phát triển đột phá trong thời gian sắp tới.

Thượng tướng Lê Hữu Đức.

PV: Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2021 nhấn mạnh đến việc tập trung đổi mới và quyết tâm bứt phá. Xin Thượng tướng cho biết rõ hơn sự đổi mới của MB trong giai đoạn chiến lược tới là gì?

Thượng tướng Lê Hữu Đức: Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, HĐQT định hướng tầm nhìn “Trở thành ngân hàng thuận tiện nhất” với mục tiêu đến năm 2021 sẽ nằm trong Tốp 5 hệ thống ngân hàng Việt Nam về hiệu quả kinh doanh. Theo đó, MB sẽ tập trung triển khai hoạt động theo phương châm “Đổi mới, hợp tác, hiện đại hóa và phát triển bền vững” dựa trên 3 trụ cột: Ngân hàng cộng đồng; Ngân hàng chuyên nghiệp theo ngành; Ngân hàng số và 2 nền tảng: Quản trị rủi ro vượt trội và Năng lực thực thi nhanh. Năm 2017, với phương châm “Tăng trưởng đột phá, hiệu quả-an toàn”, MB đặt ra mục tiêu giữ vững vị thế nằm trong Tốp 5 ngân hàng hàng đầu về hiệu quả, trong đó các công ty thành viên đóng góp quan trọng về lợi nhuận. Đồng thời, tiếp tục tăng cường mối quan hệ phát triển hợp tác với các đối tác/cổ đông chiến lược lớn trong cả giai đoạn 2017-2021 để khai thác tiềm năng khách hàng.

PV: Tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2017, vậy MB dự định sẽ sử dụng nguồn vốn này như thế nào, thưa Thượng tướng?

Thượng tướng Lê Hữu Đức: Việc tăng vốn có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB; giúp MB mở rộng kinh doanh đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của quy chuẩn Basel II và các chỉ tiêu bảo đảm an toàn, tăng khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động. Các phương án tăng vốn được cân nhắc và triển khai trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của cổ đông và sự phát triển bền vững cho ngân hàng. Vốn tăng thêm trong năm 2017 sẽ được sử dụng để đầu tư tăng năng lực công nghệ theo chuyển dịch “Ngân hàng số”; tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm giúp tăng cường sự hiện diện của MB tại các khu vực và tới đông đảo khách hàng; tập trung tăng năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực và nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Nhân viên MB hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn.

PV: Đối với bất cứ cơ quan, tổ chức nào, nhất là doanh nghiệp, yếu tố con người luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng. Xin thượng tướng chia sẻ về mục tiêu phát triển nguồn nhân lực lâu dài của MB cũng như những chính sách thu hút nhân tài trong thời gian tới?

Thượng tướng Lê Hữu Đức: Ban lãnh đạo MB dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên quán triệt, chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc các chính sách, chế độ cho người lao động, bảo đảm cạnh tranh, gắn với hiệu quả công việc và ghi nhận được sự đóng góp, gắn bó của cán bộ, nhân viên với ngân hàng. Tại MB, cán bộ quản lý các cấp đều có cơ hội được đóng góp ý kiến, đề xuất ý tưởng với lãnh đạo cấp cao, được tham gia các chương trình đào tạo theo năng lực, được tự ứng tuyển và thi tuyển công khai vào các vị trí quản lý. Chính vì những yếu tố này, MB luôn chủ động, gắn kết được sức mạnh nguồn lực trong toàn tổ chức; đã xây dựng được đội ngũ nhân sự cấp cao/nhân sự đứng đầu đơn vị có chất lượng; xây dựng nguồn cán bộ có năng lực, tận tâm và sẵn sàng đương đầu với thách thức, tạo được sự gắn bó lâu dài và cống hiến của người lao động.

Trong thời gian tới, MB sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới trong việc đào tạo, đãi ngộ và thu hút nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển ngân hàng số, như: Kiện toàn các quy định/cơ chế quản lý và đãi ngộ nhân sự; hoàn thiện hệ thống đánh giá/đo lường hiệu quả công việc của các đơn vị, cá nhân; bồi dưỡng phát triển nhân tài/nhân sự tiềm năng; tăng cường đào tạo cho cán bộ quản lý cao cấp và trung cấp, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên. Với quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi, MB kỳ vọng sẽ tiếp tục nằm trong nhóm đầu lĩnh vực ngân hàng nói riêng và các doanh nghiệp kinh doanh nói chung có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng.

HOÀNG TRƯỜNG GIANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ngan-hang-tmcp-quan-doi-tu-tin-but-pha-505635