Ngân hàng Việt bắt tay đối tác Nhật

Việc hợp tác giữa ngân hàng phía Việt Nam và Nhật Bản nhằm mục đích phát triển thành một liên minh tài chính hoạt động tại Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư 2 nước.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây đã có thông báo về việc ký kết hợp tác chiến lược với đại diện ngân hàng Kiraboshi (Nhật Bản) tại Việt Nam - Kiraboshi Business Consulting Vietnam.

Theo biên bản ghi nhớ, ngân hàng Việt sẽ phối hợp với đối tác Nhật chăm sóc các khách hàng cá nhân của đối tác sinh sống, làm việc, du lịch tại Việt Nam.

Đồng thời, hai bên cùng nhau cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng tổ chức, khách hàng doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện 2 ngân hàng cho biết việc hợp tác toàn diện kể trên sẽ phát triển thành một liên minh hợp tác tài chính lớn trong tương lai, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư 2 nước.

Hai bên cũng sẽ mở rộng phạm vi hợp tác, từ phục vụ khách hàng tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam sang phục vụ các khách hàng doanh nghiệp của các quốc gia khác.

Quyền tổng giám đốc SCB Jeremy Chen cho biết lý do cho việc bắt tay với đối tác Nhật là việc ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhóm nhà đầu tư này cần sự hỗ trợ tại chỗ về tài chính và tư vấn.

Kiraboshi là nhà băng có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Tokyo Kiraboshi. Trong khi đó, Tập đoàn Tokyo Kiraboshi được đổi tên từ Tập đoàn Tài chính Tokyo TY (thành lập tháng 10/2014 trên cơ sở sáp nhập Tokyo Tomin Bank và Yachio Bank).

Tháng 4/2016, tập đoàn này sáp nhập thêm ShinGinko Tokyo Bank vào hệ thống và chính thức hợp nhất 3 nhà băng nói trên thành Kiraboshi Bank từ tháng 5/2018.

Tính đến ngày 31/3/2020, Tập đoàn Tokyo Kiraboshi có vốn điều lệ đạt 43,7 tỷ Yên (trên 9.500 tỷ đồng), tổng tài sản đạt 5.491 tỷ Yên (gần 120.000 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng đạt hơn 4.660 tỷ Yên (102.000 tỷ đồng) và dư nợ cho vay đạt hơn 3.769 tỷ Yên (82.300 tỷ đồng). Tập đoàn này hiện hoạt động chính với 8 công ty thành viên, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản trị tài chính của nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về phía SCB, đây là một trong 5 nhà băng có quy mô tài sản lớn nhất hệ thống và cao nhất trong khối tư nhân với hơn 633.000 tỷ đồng đến cuối năm 2020. Trong đó, số huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đến cùng thời điểm của SCB đạt 578.700 tỷ, cho vay khách hàng gần 351.400 tỷ đồng.

Hiện tại, SCB là một trong số ít ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III/2020, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của ngân hàng này chỉ đạt gần 114 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm liền trước.

Nguyên nhân chủ yếu do khoản lãi thuần từ hoạt động khác kỳ vừa qua giảm mạnh và ngân hàng phải trích lập thêm hơn 1.960 tỷ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỷ đồng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngan-hang-viet-bat-tay-doi-tac-nhat-post1181572.html