Ngăn ngừa COVID-19 ở người cao tuổi

Nhân viên y tế kiểm tra huyết áp một bệnh nhân cao tuổi vừa nhập viện (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Tuổi càng cao, chức năng của các cơ quan càng suy giảm, đặc biệt là suy giảm hệ miễn dịch. Đồng thời khi tuổi càng cao, người cao tuổi càng mắc nhiều bệnh mạn tính khiến sức đề kháng giảm nhiều… Đó là những nguyên nhân làm cho người cao tuổi dễ bị SARS-CoV-2 tấn công và dễ có những biến chứng nguy hiểm hơn người trẻ.

Theo các số liệu thống kê tại Trung Quốc và một số nước khác, tỉ lệ mắc COVID-19 thấp ở nhóm tuổi dưới 40; từ trên 50 tuổi, tỉ lệ nhiễm chiếm gần 20%. Đáng chú ý, tỉ lệ tử vong tăng theo tuổi, đặc biệt ở nhóm trên 80 tuổi.

Theo các chuyên gia y tế, tuổi càng cao, chức năng của các cơ quan càng suy giảm, đặc biệt là suy giảm hệ miễn dịch. Đồng thời khi tuổi càng cao, người cao tuổi càng mắc nhiều bệnh mạn tính khiến sức đề kháng giảm nhiều so với người trẻ.

Ngoài ra, bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân giảm khả năng nhận biết và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Đó là những nguyên nhân làm cho người cao tuổi dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn những người trẻ. Một khi đã nhiễm, người cao tuổi sẽ bị bệnh nặng hơn bởi chính COVID-19 và bởi bệnh mạn tính (lúc này bị thúc đẩy vào đợt cấp), do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.

Tại Việt Nam, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi là bệnh về hệ tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim, thiếu máu cơ tim…), đái tháo đường, bệnh về hệ thần kinh (sa sút trí tuệ, parkinson, hội chứng tiền đình, chứng phình mạch…), bệnh về đường hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…), bệnh về thận (bệnh thận mạn…), bệnh về hệ tiết niệu - sinh dục (u xơ tiền liệt tuyến, sỏi thận…), bệnh về cơ xương khớp (thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp…), bệnh về đường tiêu hóa.

Bệnh có thể mới mắc, có thể đã mắc phải từ giai đoạn trung niên. Trong đó, những bệnh đồng mắc như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, ung thư… sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở người cao tuổi nếu bị lây nhiễm SARS-CoV-2.

Theo BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu COVID-19; biện pháp chung là điều trị triệu chứng, hỗ trợ hô hấp và điều trị bệnh nền, điều trị biến chứng; việc điều trị tùy thuộc mức độ nhẹ hay nặng của bệnh, có những bệnh lý đi kèm nào và có biến chứng gì.

Việc điều trị giữa các nhóm tuổi cơ bản giống nhau, tuy nhiên ở nhóm bệnh nhân cao tuổi thường bệnh nặng hơn do có nhiều bệnh lý đi kèm, và dễ có nhiều biến chứng hơn. Vì vậy, song song với việc điều trị là tiếp tục kiểm soát bệnh nền thật tốt (đái tháo đường, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn…). Việc theo dõi cần chặt chẽ hơn, sử dụng thuốc sẽ khó khăn hơn do các cơ quan chuyển hóa thuốc (tim, gan, thận..) thường đã suy giảm chức năng, nên sẽ phức tạp hơn và cần các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn.

Vì người cao tuổi có nguy cơ cao mắc COVID-19 và khi mắc dễ bệnh nặng nên tốt nhất là hạn chế ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết; cần nâng cao sức đề kháng (ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya…), giữ ấm cơ thể và họng, tiêm ngừa cúm (một tác nhân gây bệnh theo mùa, cũng ảnh hưởng chủ yếu hệ hô hấp, có thể phòng ngừa được, tăng xác suất chẩn đoán đúng), tránh tiếp xúc với nguồn lây, quản lý tốt các bệnh mạn tính sẵn có, hạn chế đến chỗ đông người, nên đeo khẩu trang nếu phải đến nơi đông người, hạn chế bắt tay và nên rửa tay thường xuyên, thông thoáng nơi ở.

Trường hợp người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid - những bệnh mạn tính cần uống thuốc suốt đời, nếu không có dấu hiệu gì bất thường mới xuất hiện, bệnh nhân có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà (thông thường, bệnh nhân mắc những bệnh này cũng có một số kiến thức nhất định về bệnh của mình) và đề nghị được cấp thuốc dài ngày hơn.

Một khi người cao tuổi trong gia đình có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, người thân trong gia đình hãy hướng dẫn họ đeo khẩu trang, tự cách ly trong phòng riêng, áp dụng các khuyến cáo khi cách ly tại nhà của Bộ Y tế, đồng thời liên lạc với cơ sở y tế để được hỗ trợ về y tế phù hợp và điều tra nguồn tiếp xúc. Hàng ngày, gia đình phân công người chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, uống thuốc đủ, theo dõi các dấu hiệu trở nặng…

Tại Phú Yên, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế, đến 15 giờ ngày 17/3, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp bệnh xác định, trường hợp bệnh nghi ngờ cũng như trường hợp tiếp xúc gần; đã giám sát y tế 1.169 trường hợp (trong đó có 348 người nước ngoài đến từ các quốc gia, lãnh thổ và các vùng có dịch), hiện còn 516 người đang trong thời gian giám sát. Đáng chú ý, 3 người được cách ly tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã xuất viện vào sáng 17/3. Hiện có 1 người được cách ly tại cơ sở y tế, 1 người được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung; 36 người được cách ly tại nhà/nơi lưu trú; 478 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/236354/ngan-ngua-covid-19-o-nguoi-cao-tuoi.html