Ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi
Đến nay, An Giang vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở Campuchia và một số địa phương trong nước; thời tiết nắng nóng và dễ phát sinh dịch bệnh khi chuyển mùa mưa, công tác bảo vệ đàn vật nuôi không được lơ là, chủ quan.
Theo số liệu thống kê trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS), từ đầu năm đến ngày 22/3/2024, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang, với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là 8.924 con; 131 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi tại 30 tỉnh, với tổng số heo tiêu hủy là 4.288 con. Đến nay, có 19 tỉnh chưa qua 21 ngày, với 34 ổ dịch, đáng lưu ý tại khu vực ĐBSCL, có tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau vẫn còn ổ dịch.
Với bệnh viêm da nổi cục, có 26 ổ dịch tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tiền Giang), tổng số 118 con trâu, bò mắc bệnh và 30 con bị chết phải tiêu hủy. Trong khi đó, có 15 ổ dịch lở mồm long móng trâu, bò tại 7 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai), với số gia súc mắc bệnh 370 con, số chết và tiêu hủy 80 con. Bệnh dại xảy ra ở 24 tỉnh, với 54 ổ dịch, có 190 con chó mắc bệnh dại, buộc tiêu hủy. Ở khu vực ĐBSCL, bệnh dại xảy ra tại An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh và Cà Mau.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát, khống chế, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục, lở mồm long móng... không xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch và kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật (cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò, dại...) theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngành chăn nuôi và thú y chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch (nếu có); rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi tại các địa phương, khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vaccine nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine.
Cùng với triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật được UBND tỉnh ban hành, các địa phương được yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngành chuyên môn hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các đơn vị liên quan quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm.
Nhằm tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm... Tỉnh thực hiện tốt quy hoạch giết mổ, tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với chế biến và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh, chú ý các bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh ở heo, dại ở chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò; đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm...
Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tuyến biên giới tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh, nắm thông tin tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh động vật lây lan qua biên giới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ngan-ngua-dich-benh-bao-ve-dan-vat-nuoi-a392715.html