Ngăn ngừa, phát hiện, xử lý sớm hành vi tham nhũng

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó, người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.

Cá nhân được xác minh tài sản, thu nhập là người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm thuộc thẩm quyền kiểm soát của thanh tra thành phố. Tỷ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của đơn vị.

Việc xác minh tài sản, thu nhập đã được pháp luật quy định rất cụ thể. Theo đó, Điều 41, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ: có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo. Ngoài ra, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập cũng xác minh đối với cá nhân thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên.

Ngoài ra, Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng quy định rõ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Xác minh tài sản nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; xác định tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Ngoài ra, thông qua việc xác minh này, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức về công tác kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, ngăn ngừa, phát hiện sớm, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn những hạn chế. Trong báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Ủy ban Tư pháp đã chỉ rõ, việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập còn chậm được thực hiện, do đó chưa phát huy được hiệu quả của biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thực tế.

Luật pháp đã có quy định cụ thể đối với trường hợp xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh là cần thiết, nhưng chỉ là biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ không nên coi là “cây gậy” phát hiện sự gia tăng bất thường tài sản do tham nhũng. Hiện nay việc kê khai tài sản chỉ được kiểm soát tài sản đối với cán bộ, công chức. Về lâu dài để phát hiện sớm, xử lý tài sản tham nhũng hiệu quả rất cần cơ chế kiểm soát tài sản đối với toàn xã hội bằng công cụ thuế, không dùng tiền mặt. Đặc biệt cần sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đó là công cụ kiểm soát tài sản, thu nhập công khai, minh bạch và hiệu quả nhất, tránh tình trạng tiền bất minh “chạy lòng vòng” từ người này qua người khác mà không thể xử lý.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/ngan-ngua-phat-hien-xu-ly-som-hanh-vi-tham-nhung-i299227/