Ngăn ngừa sai phạm trong quản lý đất đai ở cơ sở

PTĐT - Những năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội...

Lô đất khu vực sân bóng ở khu 5, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh được một số cán bộ xã (giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010) lập “khống” hộ khẩu cho người thân để xin cấp đất được mua đi, bán lại, vẫn chưa có hướng giải quyết

Lô đất khu vực sân bóng ở khu 5, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh được một số cán bộ xã (giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010) lập “khống” hộ khẩu cho người thân để xin cấp đất được mua đi, bán lại, vẫn chưa có hướng giải quyết

PTĐT - Những năm qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh luôn được tăng cường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, đã có những sai phạm xảy ra, để lại hệ lụy và hậu quả đáng tiếc. Một lần nữa, hồi chuông cảnh tỉnh lại gióng lên, đòi hỏi phải có “Thượng phương bảo kiếm” để duy trì thường xuyên sự thượng tôn pháp luật trên lĩnh vực này, nhất là việc quản lý đất đai ở cơ sở.Kỳ I: Quản lý đất đai- một “sai”, hai “phạm”
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tại một số địa phương trong tỉnh, có những cán bộ là lãnh đạo chủ chốt cấp xã hoặc phải nghỉ khi còn đương chức, hoặc bị kỷ luật, thậm chí là vướng vào vòng lao lý do hám lợi háo danh, sa sút phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, không “vượt được qua chính mình”, để xảy ra những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Dưới đây là những ví dụ điển hình như thế.
“Muôn nẻo đường...sai phạm” (!)
Trong quá trình tác nghiệp để viết tuyến bài này, chúng tôi đã gặp gỡ đại diện của các cơ quan chức năng, tiếp cận văn bản, hồ sơ, trao đổi với những người có chung sự quan tâm để tìm hiểu căn nguyên, mức độ vi phạm của những đơn vị, cá nhân trong quản lý đất đai (QLĐĐ) ở cơ sở, từ đó có cái nhìn trực quan, tổng thể, giúp hình dung ra những “góc khuất”, nhận diện được những hành vi sai phạm trên lĩnh vực này nhằm góp thêm lời cảnh báo và trong “muôn nẻo đường...sai phạm”, chúng tôi đặc biệt chú ý tới việc làm “khống” hộ khẩu để người thân được cấp đất hay cố tình trục lợi từ đất, gây thất thu cho Nhà nước.Còn nhớ cách đây không lâu, liên quan đến vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh được đưa ra xét xử hồi tháng 11 năm 2019 đã lột tả rõ nét hành vi của 5 cán bộ xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm giả hồ sơ để người thân được cắm đất, gây bức xúc trong dư luận. Quá trình điều tra cho thấy, Đặng Trung Kiên, sinh năm 1982, Phó Trưởng Công an xã, từ năm 2009 đến năm 2011 đã lập “khống” sổ hộ khẩu cho 18 trường hợp, trong đó có 14 trường hợp thực tế không có sổ hộ khẩu tại xã Liên Hoa (1 trường hợp là em gái Kiên) và 4 trường hợp có hộ khẩu chung với gia đình bố, mẹ đẻ tại xã nhưng lập “khống” sổ hộ khẩu mới, tách riêng hộ để hợp thức điều kiện xin đất năm 2010. Đến tháng 12 năm 2010, Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh đã cấp đất làm nhà ở cho 18 trường hợp kể trên. Tương tự, các đối tượng: Vũ Văn Yên (giai đoạn từ 2004 đến 2006 là Trưởng Công an xã Liên Hoa) đã lập “khống” cho 3 trường hợp; Lê Quang Tiếp (giai đoạn từ 2006 đến 2008 là Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã) lập “khống” cho 3 trường hợp; Hoàng Kim Thu (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND xã) cũng lập “khống” hộ khẩu cho 7 trường hợp. Điều đáng nói là, trong các trường hợp lập “khống” hộ khẩu nói trên có nhiều trường hợp là người thân trong gia đình và một số người quen biết, sau khi được cấp đất đã sang nhượng, bán kiếm lời. Cùng “chung đường, chung lối” theo phương thức kể trên, một số cán bộ xã Tử Đà, huyện Phù Ninh, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấp “khống” sổ hộ khẩu để người nhà, quen biết được cấp đất trên địa bàn, điển hình như trường hợp ông Vũ Minh Lý, năm 2012 là Chủ tịch UBND xã Tử Đà, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đã chỉ đạo cấp dưới cấp “khống” hộ khẩu thường trú tại xã Tử Đà cho 6 trường hợp để hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt cấp đất.

Các bị cáo nguyên là cán bộ xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh làm “khống” sổ hộ khẩu cho người thân để được cấp đất đều phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật

Các bị cáo nguyên là cán bộ xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh làm “khống” sổ hộ khẩu cho người thân để được cấp đất đều phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật

Không chỉ cấp “khống” hộ khẩu để người thân được cấp đất, thời gian qua, một số cán bộ ở cơ sở còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, không làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao để trục lợi từ việc lập, thẩm định hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gây thiệt hại cho Nhà nước, làm mất niềm tin trong nhân dân. Sự việc xảy ra tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, thành phố Việt Trì hay tại xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn là những ví dụ điển hình. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 2016 đến tháng 7 năm 2018, các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Việt Trì là Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Đức Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, câu kết với cán bộ thuế áp dụng mức thu thuế chênh lệch để lập, thẩm định hồ sơ, chuyển đổi mục đích sử dụng cấp GCNQSDĐ từ đất vườn thành đất ở, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng. Tại xã Thu Cúc, lợi dụng việc quyết toán công nợ của dự án hỗ trợ làm nền nhà, sân cho các hộ dân khu Mỹ Á, các bị cáo Hà Thanh Biên – Chủ tịch UBND xã Thu Cúc cùng với Nguyễn Tài Thu - Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, kiêm Phó Ban quản lý dự án và Hoàng Văn Mân - kế toán xã mặc dù biết rõ công nợ của Dự án là hơn 64 triệu đồng nhưng lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao lập khống hồ sơ quyết toán, nâng tiền nợ nguyên vật liệu, nhân công Dự án lên gần 244 triệu đồng để xin nguồn kinh phí từ UBND huyện nhằm trang trải các khoản nợ khác...

Khu đất vườn ở khu 2, xã Thanh Đình không có nhà trên đất nhưng vẫn được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Việt Trì thẩm định, xác định đủ điều kiện và có nhà ở trên đất và giảm 50% nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển đổi mục đích, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Khu đất vườn ở khu 2, xã Thanh Đình không có nhà trên đất nhưng vẫn được cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Việt Trì thẩm định, xác định đủ điều kiện và có nhà ở trên đất và giảm 50% nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển đổi mục đích, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Lý giải từ những căn nguyênNhư đã nói ở trên, các hành vi sai phạm trong QLĐĐ ở cơ sở chẳng những vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước về QLĐĐ, vi phạm Luật Đất đai, gây bức xúc, mất ổn định về ANTT, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân mà còn “phạm” vào các quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên, “phạm” vào các chế tài xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, vì vậy đã được Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử kịp thời với các tội danh: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm quyền trong thi hành công vụ”, “Giả mạo trong công tác”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.Lý giải về những nguyên nhân, qua vụ việc xảy ra tại xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Trưởng phòng Tổng hợp cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, ở đây đã có sự buông lỏng trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong công tác kiểm tra, giám sát; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; Quy chế dân chủ ở cơ sở không được thực hiện nghiêm túc; tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên chưa cao; đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế, dẫn đến việc có nhiều đảng viên là lãnh đạo quản lý của xã sai phạm nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.Theo đồng chí Nguyễn Bình Phương – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Phù Ninh, qua các vụ án liên quan đến những sai phạm trong QLĐĐ ở cơ sở cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ cấp xã lợi dụng chức vụ quyền hạn, chức trách nhiệm vụ được giao và tư lợi thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tất cả các trường hợp đều bị xét xử theo quy định của pháp luật nhưng điều đáng nói là, để vi phạm dường như không thể một cá nhân thực hiện được mà phải có sự “liên minh” của các cá nhân giữ các vị trí công tác liên quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước.Còn theo nhìn nhận, phân tích, đánh giá của một số cán bộ, đảng viên – những người có tâm huyết với việc thực thi các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, với lợi ích chung của xã hội, căn nguyên của những sai phạm chủ yếu là do sự sa sút về phẩm chất đạo đức, bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường về lối sống thực dụng, cố tình vi phạm pháp luật vì lợi ích bản thân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy cơ quan công quyền. Điều này cho thấy, những “kẽ hở” trong QLĐĐ ở cơ sở cần phải được khắc phục kịp thời bằng tổng hòa những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, thống nhất, mạnh mẽ từ trên xuống dưới nhằm giữ vững kỷ cương, phép nước, tạo sự đồng thuận ý Đảng, lòng dân.

Kỳ II: Những con số để lại nhiều...suy ngẫm

Kỳ II: Những con số để lại nhiều...suy ngẫm

Nhóm PV Chính trị -Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202009/ngan-ngua-sai-pham-trong-quan-ly-dat-dai-o-co-so-172904