Ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong học đường
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo tình trạng vi phạm pháp luật học đường ngày càng trở thành vấn nạn đáng báo động, phản ánh hạn chế trong nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ. Bởi vậy, việc trang bị cho các em những kiến thức, hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình và người thân, góp phần chung tay xây dựng một xã hội văn minh là vô cùng quan trọng.
Ngày 28/10/2019, nữ sinh Đ.N.H lớp 10, trường THPT Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bị bạn L. dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu. Không dừng lại, L. còn dùng dép tát vào mặt và lôi tóc bạn. H. chỉ biết ôm mặt chịu trận, không dám kháng cự. Lí do chỉ vì mẹ L. đã lấy H. ra “làm gương” để răn dạy con nên hậm hực trong lòng.
Ở một trường hợp khác, ngày 26/3, dư luận cũng xôn xao với vụ một nữ sinh lớp 10 ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tố giác khi bị nhóm 6 nam sinh xâm hại tình dục tập thể. Vụ việc xảy ra nhưng vì sợ hãi nên nạn nhân đã giấu gia đình. Khi đoạn clip về việc xuất hiện trên mạng xã hội, gia đình mới phát hiện và thuyết phục làm đơn tố cáo.
Hay vụ 5 em học sinh lớp 9 của Trường THCS Tây Sơn (thành phố Thái Bình) do thiếu tiền chơi game đã rủ nhau dùng xe đạp điện đi cướp giật tài sản trị giá gần 3 triệu đồng,…
Mỗi năm, có biết bao nhiêu vụ trộm cắp, cướp giật, tổ chức sử dụng ma túy do học sinh gây ra đã bị các cơ quan chức năng phát hiện…. Hàng ngày có bao nhiêu học sinh điều khiển xe môtô tham gia giao thông vi phạm TTATGT…
Những vụ việc sau khi bị đưa lên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Khó ai có thể tưởng tượng về lối hành xử thô bạo, hành vi vi phạm pháp luật ấy lại diễn ra ngay trong nhà trường và do các nữ sinh, nam sinh tuổi đời còn rất trẻ thực hiện.
Thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trung bình trong một năm học, trên cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài trường học (khoảng năm vụ/ngày). Trong giai đoạn 2010-2019, có gần 8.000 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật. So với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần.
Theo báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018 cho biết. năm học 2017-2018, có trên 2.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan đến 5.000 đối tượng, chiếm khoảng 0,024% học sinh phổ thông.
Khảo sát mới đây của VKSND Tối cao công bố trên các phương tiện truyền thông cũng khiến nhiều người giật mình. Trung bình mỗi năm có 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người vị thành niên thực hiện. Đáng ngại hơn, tỷ lệ người vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi chiếm 8% số vụ vi phạm.
Nếu như trước kia, trẻ vị thành niên thường chỉ liên quan đến các hành vi trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, vi phạm luật giao thông,… thì gần đây, hành vi tội phạm nguy hiểm hơn: hiếp dâm, mua bán ma túy...
Một vấn đề được đặt ra ở đây là khi các bạn học sinh xâm hại tình dục bạn học, trộm cắp, cố ý gây thương tích,… liệu rằng có bao nhiêu bạn biết được hành vi của mình là hành vi phạm tội?
Hiện nay, trong chương trình giảng dạy học sinh đã có môn giáo dục công dân mang lại những hiểu biết pháp luật, giá trị đạo đức… cho học sinh. Nhiều trường cũng thường xuyên mở những buổi ngoại khóa, những phiên tòa giả định… nhằm trang bị thêm cho học sinh những kiến thức pháp luật nhất định.
Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, bên cạnh những điều tốt đẹp thì đồng thời giới trẻ cũng dễ bị thu hút bởi vô số cái xấu, từ thế giới bên ngoài.
Thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng phòng vệ, nhận thức về các vấn đề còn hạn chế cộng với tâm lí hiếu thắng, cái tôi quá cao ở lứa tuổi học trò là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh trở thành tội phạm hoặc tòng phạm trong những vụ vi phạm pháp luật.
Một thực tế là sau khi “lỡ” tay gây ra sự việc, đứng trước bục khai báo, nhiều bị cáo tuổi học sinh ngơ ngác nghe luận tội và cũng chưa hiểu vì sao hành vi của mình lại vi phạm pháp luật.
Tại hội nghị đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã chỉ ra, những sự việc vi phạm pháp luật của học sinh trong thời gian qua, có nguyên nhân khách quan là tác động môi trường mạng xã hội tiêm nhiễm từ từ đến quá trình hình thành đạo đức nhân cách.
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin truyền thông còn hạn chế, bất cập, chưa có giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Tình trạng học sinh mâu thuẫn, đánh nhau do cả nhà trường, gia đình và xã hội chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức, pháp luật. Nhiều gia đình còn buông lỏng quản lý, thiếu gương mẫu, dẫn đến những tình trạng bạo lực học đường, là điều kiện phát sinh những vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa thường xuyên. Các tổ chức đoàn, hội chưa thực sự là chỗ dựa, giúp đỡ học sinh, sinh viên khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vẫn còn giấu các vụ việc vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên do ảnh hưởng đến thành tích chung của các cơ sở giáo dục…
Trước thực trạng đáng báo động được thể hiện qua những vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trong giới trẻ, ngăn chặn bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật trong trường học đang là vấn đề xã hội quan tâm hàng đầu hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thời gian tới, trong bối cảnh phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để có thể tuyên truyền phổ biến pháp luật một cách có hiệu quả tới các em học sinh, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cũng cần chủ động cần tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, internet, truyền thông một cách sâu, rộng, hướng đến không chỉ ngay chính bản thân các em học sinh mà còn cần phải tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên, bậc phụ huynh…
Các nhà trường cần phải xác định công tác phòng ngừa là chính, trong đó phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp, làm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ của công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và an ninh học đường nói riêng.
Mặt khác cần đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, tạo điều kiện tốt nhất để cùng nhau dạy tốt, học tốt, đào tạo mỗi học sinh, sinh viên trở thành công dân tốt của xã hội. Môi trường tốt tự nó đã có ý nghĩa, giá trị giáo dục
Giáo dục pháp luật cho học sinh bằng những bài học mang tính ứng dụng, để học sinh vận dụng vào thực tế, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè và điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực của luật pháp, của đạo đức là điều cần làm ngay hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài phổ biến, giáo dục pháp luật cần chú trọng giáo dục nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực thi pháp luật.
Hiểu biết pháp luật là một thành phần quan trọng trong hình thành nhân cách con người, đặc biệt là đối với các em học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước. Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường sẽ góp phần đưa pháp luật đến với những công dân trẻ tuổi bằng con đường ngắn nhất, nhanh nhất.
Học sinh, sinh viên là những công dân đang trên bước đường trưởng thành, những người lao động, chủ nhân tương lai của đất nước. Đối với các em, hiểu biết pháp luật là một bộ phận của học vấn và ý thức pháp luật là một thành phần quan trọng không thể thiếu được của nhân cách.