Ngân sách bội thu, nhưng không thể mừng!

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, thu ngân sách nhà nước năm tháng đầu năm đạt tới 898.400 tỉ đồng, trong khi số chi ra chỉ 656.700 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong năm tháng ngân sách nhà nước đã bội thu tới 241.700 tỉ đồng. Tuy nhiên đây không phải tin vui, mà trái lại, đó là mối lo lớn khi ngân sách bội thu không đến từ hiệu quả hoạt động của nền kinh tế mà là do trì trệ trong việc giải ngân đầu tư công – yếu tố được kỳ vọng sẽ tăng sức cầu, giúp nền kinh tế Việt Nam sớm thoát khỏi khó khăn và khôi phục đà tăng trưởng.

Thật vậy, trong khi thu ngân sách năm tháng đầu năm đạt tới 52,8% kế hoạch thì chi ngân sách chỉ có 31%, trong đó giải ngân đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ bằng 22,34% kế hoạch Thủ tướng giao với vỏn vẹn 148.284 tỉ đồng. Có đến 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có hai đầu tàu kinh tế là TPHCM với 10,36% và Hà Nội 19,18%.

Vấn đề đáng lo ngại là ở những nguyên nhân gây ra tình trạng trì trệ này. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đầu tiên là tiến độ và chất lượng lập danh mục đầu tư, công tác thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư còn nhiều bất cập. Trước đây, việc lập kế hoạch đầu tư và phân bổ vốn được giao theo từng năm, khiến cho các bộ, ngành và địa phương bị động và gây ra chậm trễ, nhưng từ năm 2021 đã chuyển sang thực hiện theo kế hoạch đầu tư trung hạn năm năm và áp dụng cơ chế hậu kiểm thay cho tiền kiểm để tạo sự linh hoạt trong việc triển khai. Vì vậy lý do chậm trễ kể trên là rất khó chấp nhận.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến bất cập trong các cơ chế, chính sách. Đành rằng hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ khiến cho việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, nhưng điều đáng nói là không phải vướng mắc pháp lý nào cũng nằm ngoài khả năng giải quyết của các bộ hay địa phương. Bằng chứng là mới đây Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã phê bình các đơn vị có liên quan vì có tới 60 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết, tham mưu của các sở, ngành, địa phương đã được UBND TPHCM chỉ đạo, nhưng chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến giải ngân vốn không đạt theo kế hoạch.

Tiếp theo là năng lực quản lý của các cấp, nhất là ban quản lý dự án, chưa đồng đều và có nơi yếu kém, và đặc biệt là tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy hoặc không làm hết chức trách và nhiệm vụ của mình. Đây có lẽ là nguyên nhân quan trọng nhất trong số các nguyên nhân gây ra ách tắc trong việc thực hiện đầu tư công. Điều này cũng lý giải được vì sao cùng với mặt bằng luật lệ và cơ chế như nhau, nhưng vẫn có những cơ quan đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên 40%, chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Chính phủ cũng như người đứng đầu nhiều địa phương nói nhiều đến việc sẽ kiên quyết bãi miễn hoặc điều chuyển cán bộ nào vì sợ sai, sợ trách nhiệm mà đùn đẩy, không chịu thực thi chức trách và nhiệm vụ của mình, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có ai bị xử lý như vậy, mà chỉ bị phê bình chung chung. Nếu cứ tiếp tục tình trạng “giơ cao đánh khẽ” như vậy thì e rằng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ còn tiếp tục bị trì trệ.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ngan-sach-boi-thu-nhung-khong-the-mung/