Ngẩng cao đầu vào chiến dịch

Ngày đội tuyển Việt Nam bước vào chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á đã đến rất gần, mọi trái tim người hâm mộ lại đang cùng hòa nhịp với từng chuyển động, từng bước đi của thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo.

Đội tuyển là hấp lực, kèm theo đó luôn là động lực và áp lực. Tâm thế nào của đội tuyển? Và tâm thế nào của chính hàng triệu người hâm mộ?

Các giải đấu trước đã vậy huống chi là những trận đấu lớn chưa từng có với nhiều đối thủ mạnh vượt trội về đẳng cấp và độ từng trải. Hơn nữa giữa thời điểm căng thẳng cao độ của cuộc chiến toàn dân “chống dịch như chống giặc” nhiều mặt của cuộc sống bình thường, trong đó có hầu hết các hoạt động giải trí đều phải hủy hoặc tạm ngừng, hoãn. Trông đợi, gửi gắm vào những bước tiến mới, sức chinh phục mới của đội tuyển hẳn nhiên những ước mơ, những tưởng tượng về điều thần kỳ nào đó sẽ hiện ra. Tuy nhiên, nếu không biết mình biết người, không có cái nhìn thực tế, mọi kỳ vọng thái quá không chỉ là viển vông mà ngược lại trở thành sự thất vọng, thành hiệu ứng tiêu cực trong tâm lý cộng đồng và cả chính đội tuyển cũng như những người làm bóng đá nước nhà. Phải nói điều này trước hết bởi thực tế đã có những tiếng nói vô lối, đau lòng bật ra sau những kết quả không như ý của các vận động viên hàng đầu đất nước, của khu vực tại đấu trường Olympic vừa qua.

Đội tuyển U.22 Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Đội tuyển U.22 Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Trở lại với đội tuyển, quả là có nhiều thiệt thòi, bất lợi. Ngoài chuyện muôn thuở là thua kém về thể hình, thể lực thì giải đấu cấp câu lạc bộ (CLB) đã phải tạm dừng nhiều tháng không thể giúp các tuyển thủ có được phong độ, cảm giác thi đấu và ban huấn luyện đội tuyển không tìm được nhân tố mới tăng cường. Đã vậy nạn chấn thương đã và sẽ loại khỏi đội hình một vài cầu thủ chủ chốt như Hùng Dũng, Văn Hậu. Bất lợi còn đến từ việc đội tuyển không có một trận giao hữu quốc tế nào để kiểm nghiệm lối chơi, đội hình. Trong hoàn cảnh đại dịch, ngay cả việc tìm hiểu đối thủ cũng bị hạn chế...

Tất nhiên các đối thủ cũng gặp những điều bất lợi vì dịch, với các đội Australia và Trung Quốc cũng không thể đá sân nhà đúng nghĩa vì quy định của quốc gia họ. Song với các đội tuyển có trình độ cơ bản tốt, họ chỉ cần tập luyện ít ngày là có thể vào guồng. HLV G.Arnold của đội tuyển Australia đã khẳng định điều này ngay cả khi ông chưa nắm được quân trong tay. Với số lượng 30 tuyển thủ đang đá ở nước ngoài, chủ yếu tại châu Âu, tập thể đội tuyển của ông vừa toàn thắng tại vòng loại thứ 2 thì sự tự tin là điều dễ hiểu. Còn Saudi Arabia? Đến báo chí của họ cũng phân tích đâu ra đấy về tuyển Việt Nam, ngay cả chuyện Nguyễn Công Phượng chưa lên tuyển dịp này.

Tất cả đều mạnh hơn tuyển Việt Nam, không phải nói nhiều. Còn lợi thế của chúng ta? Rõ là có, nhưng có so với chính mình. Có được từ sự ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất có thể của các cấp, từ các CLB V-League và hạng nhất, cùng sự đồng lòng, đặc biệt là sự sáng tạo và ứng biến của thầy Park cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Vì đội tuyển, V-League phải hoãn. Vì nguồn lực không dồi dào, trình độ chung chưa cao, đội tuyển luôn phải cần tập trung thời gian khá dài để hợp luyện, tìm cách làm mới cả lối chơi, sơ đồ chiến thuật và nhân sự. Lợi thế lớn nhất vẫn là một tập thể đoàn kết, giàu khát vọng, một đội hình cơ bản đã đá cùng nhau nhiều giải đấu, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, từng có những chiến thắng trước các đối thủ trên cơ, gặt hái thành công bất ngờ tại các giải đấu châu lục.

Và sẽ tiếp tục làm nên bất ngờ? Có thể tạo bất ngờ là những từ được dân ta trông đợi, được nhiều HLV, chuyên gia bóng đá nước nhà và cả Liên đoàn Bóng đá châu Á nói đến. Gắn với những từ này, dư luận còn nhắc tới một tâm thế-lợi thế “không còn gì để mất”. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần bởi nếu không thể hiện được đúng mình, không đạt được kết quả nhất định mà xuống tinh thần, vỡ trận có nghĩa là đội tuyển sẽ làm mất đi hình ảnh, niềm tin trong lòng người hâm mộ. Bởi vậy áp lực với thầy Park và các tuyển thủ là không hề nhỏ.

Rất ý thức được độ khó của vòng loại thứ 3 World Cup nên từ lâu HLV Park Hang-seo đã tìm cách làm mới lối chơi, thay đổi, bổ sung tuyển thủ để khắc phục tình trạng bị bắt bài và luôn có thể tạo bất ngờ. Cách làm tận tâm và sáng tạo của ông là bám sát các trận đấu V-League và hạng nhất để phát hiện thêm nhân tố mới, là triệu tập nhiều đợt huấn luyện ngắn xen kẽ, mạnh dạn thử nghiệm cầu thủ trẻ. Việc tổ chức tập luyện cùng lúc đội tuyển quốc gia và U.22 Việt Nam không chỉ để giải quyết song hành “vừa giã gạo vừa bế em” mà còn tạo điều kiện đá tập cho cả hai. Trong điều kiện dịch bệnh không thể có được trận giao hữu quốc tế càng thấy cách làm này là sáng tạo, độc đáo.

Đã có hai trận đá tập với U.22 theo nguyên tắc bí mật, những thay đổi nào, cách vận hành chiến thuật ra sao ngoài đội tuyển không ai biết được. Bước đầu chỉ vài thông tin đáng mừng là cả tuyển thủ cũ và mới đều ghi bàn; đồng thời cả hai đội tuyển đã bị thủng lưới. Còn đang ráp nối, thử nghiệm và kiểm nghiệm, kết quả của hành trình này sẽ chỉ thể hiện trong thực chiến sắp tới. Chỉ biết rằng sự đoàn kết trong đội tuyển vẫn giữ vững, và các tuyển thủ, các tuyến đều nỗ lực khắc phục những điểm yếu đã bộc lộ trong vòng loại thứ 2 và rèn tập sự phối hợp thủ-công trong thế trận phòng ngự-phản công.

Chuẩn bị kỹ nhất có thể, đội tuyển Việt Nam tự tin ngẩng cao đầu vào chiến dịch.

NGUYỄN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/ngang-cao-dau-vao-chien-dich-668972