Ngành chế biến gỗ xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025: Gia tăng giá trị sản phẩm để đột phá
Kết thúc năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam chính thức chinh phục con số 11 tỷ USD xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu XK 20 tỷ USD vào năm 2025 lại là câu chuyện khác nếu ngành sản xuất này không có cách đột phá gia tăng giá trị XK…
Bức tranh đẹp
Vượt qua nhiều cảnh báo rủi ro từ trước đó, cả những thách thức về nhân lực, thị trường, các DN trong ngành chế biến gỗ một lần nữa khẳng định bản lĩnh và khả năng ứng biến để có thể làm chủ cuộc chơi khi đạt kim ngạch XK hơn 11 tỷ USD trong năm 2019, vượt mục tiêu 10,5 tỷ USD đề ra từ đầu năm.
Hiện ngành XK chế biến gỗ Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số trong suốt 20 năm qua, riêng năm 2019 đạt 18%, mức tăng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam.
Để chinh phục mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2025, có nghĩa trung bình mỗi năm ngành sản xuất này phải tăng thêm 1,8 tỷ USD. Đây là con số trong tầm tay nếu nhìn vào con số XK trong 3 năm gần đây (Năm 2017 là 7,66 tỷ USD, năm 2018 là 8,91 tỷ USD và năm 2019 là 11 USD).
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp cùng với việc thực thi các cam kết quốc tế, đặc biệt khi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã có hiệu lực từ ngày 01/6/2019, cùng với những khó khăn nội tại (nguồn nguyên liệu, nhân lực, công nghệ…) thì đây không phải bài toán dễ giải.
Tân Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, để đạt được mục tiêu XK 20 tỷ USD đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, ngành gỗ cần phải làm rất nhiều việc, trong đó, phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện “sống còn”.
Tuy nhiên, hiện ngành còn thiếu động lực về thể chế chính sách và nguồn lực cần thiết nhằm hình thành, thúc đẩy các chuỗi giá trị theo hướng phát triển bền vững. “Muốn ngành gỗ phát triển, phải coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thặng dư lớn về giá trị XK. Cần có giải pháp tăng về quy mô và nguyên liệu, nguồn nhân lực, sản xuất vật liệu phụ, quảng bá thương hiệu gỗ Việt ra thế giới; định vị ngành gỗ của Việt Nam trên bản đồ thế giới…”, Chủ tịch Vifores đề xuất.
Gia tăng giá trị xuất khẩu
Theo Vifores, để có được giá trị XK trên 11 tỷ USD, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang có khoảng 500 ngàn nhân lực đóng góp cho sự phát triển của hơn 5.000 DN đang hoạt động, chưa kể, còn hàng triệu lao động gián tiếp có liên quan. Tuy nhiên, ở các DN của Việt Nam, chỉ có khoảng 30% lao động được đào tạo nghề, đa số là lao động phổ thông.
Khẳng định với PLVN, Chủ tịch Vifores, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng giá trị XK không nằm ở giá trị gỗ mà ở công nghệ, thiết kế và thương hiệu. “Đây là xu hướng trên thế giới hiện nay và để đạt được giá trị XK 20 tỷ USD vào năm 2025, ngành sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam cần đi theo xu hướng đó...”- Chủ tịch Vifores khẳng định.
Đây cũng là vấn đề lãnh đạo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đối thoại giá Thủ tướng Chính phủ với công đồng DN mới đây.
Theo Chủ tịch HAWA, ông Nguyễn Quốc Khanh, ngành công nghiệp nội ngoại thất toàn cầu có giá trị hàng hóa lên đến 450 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị sản xuất gia công, chỉ 140 tỷ USD. “Để tiến đến khai thác tốt khung giá trị này, DN phải hội tụ được các yếu tố mà chúng ta chưa tốt, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết, là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn!”- ông Khanh nhấn mạnh.
Trên thực tế, đã có một số DN gỗ Việt Nam đang tiếp cận theo hướng đó mà Công ty CP Xây dựng kiến trúc AA, là một điển hình. Hiện AA là nhà thầu nội thất và là công ty sản xuất đồ gỗ nội thất lớn nhất tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Tổng Giám đốc, thế mạnh của AA là cung cấp các dịch vụ hoàn thiện nội thất cho những công trình sang trọng bậc nhất, đặc biệt là các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, cũng như các nhà hàng sang trọng, thương hiệu bán lẻ cao cấp và nhà riêng.
Hiện AA có 10 công ty con tại Long An, Tây Ninh, Myarmar, Brutan, Cambodia, Nhật Bản, Mỹ, Singapore và sản phầm XK đến hơn 40 quốc gia. Năm 2019 doanh thu của AA khoảng 100 triệu USD.
Có 1 ví dụ được DN này chia sẻ là năm 2017, 70 công nhân của AA đã được đưa đến Caribbean để thực hiện công trình nội thất cho Park Hyatt St. Kitts and Nevis, khách sạn 5 sao hàng đầu thuộc vùng biển nổi tiếng này. Doanh thu từ công trình trên là hơn 16 triệu USD, tương đương với một DN gỗ 700 người gia công sản xuất hàng XK trong 1 năm.
Ông Phương dẫn chứng, 1 cái bàn có giá trên 10.000 USD, giá trị nguyên liệu gỗ chỉ khoảng 10%, trong khi với các sản phẩm thông thường khác, riêng giá trị gỗ đã lên tới 60%.
Theo Chủ tịch HAWA Nguyễn Quốc Khanh, thay vì gia công hàng loạt theo đơn đặt hàng, một số DN đang bắt đầu chuyển hướng để có giá trị gia tăng cao hơn… “Đây là cách để ngành chế biến gỗ nhanh chóng đạt được mục tiêu một cách bền vững nhất”- ông Khanh quả quyết.