Ngành chè Việt Nam: Xuất khẩu nhiều nhưng giá không cao
Chè của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng giá xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka. Tại sao?
Là cây công nghiệp chủ lực
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự báo đến năm 2030, sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 156 nghìn tấn, tăng trung bình 0,83%/năm, chiếm khoảng 80% sản lượng chè được sản xuất trên cả nước. Các thị trường chính của sản phẩm chè Việt Nam vẫn là Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao ở thị trường châu Âu (EU)… Ngành chè Việt Nam đang phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tận dụng được tối đa các lợi ích từ các hiệp định thương mại.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Đề án cây công nghiệp chủ lực đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2024 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, diện tích trồng chè cả nước đạt khoảng 120 - 125 nghìn hecta, năng suất đạt 110 - 115 tạ/ha; sản lượng đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn chè búp tươi.
Trong 6 cây công nghiệp chủ lực, chỉ riêng cây chè có nguồn gốc Việt Nam, các cây còn lại du nhập từ nước ngoài. “Vì vậy, phát triển ngành chè vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ để cây chè tương xứng với vị thế của loại cây bản địa Việt Nam”, ông Mạnh nói.
Đến năm 2030, trên 70% diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn, tập trung tại các vùng sản xuất trọng điểm như: Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An và Lâm Đồng, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, ổn định các tiêu chí sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, do thay đổi cơ cấu giống và kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, cây chè vẫn ghi nhận sự tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu. Trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 108 nghìn tấn và 189 triệu USD; tăng 31,9% về lượng và tăng 34,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Gỡ “nút thắt” cho ngành chè Việt Nam
Theo ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới.
Chè nước ta được xuất đến trên 70 quốc gia vùng lãnh thổ nhưng giá xuất khẩu bình quân chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè và chỉ bằng 55% giá chè xuất khẩu bình quân của Ấn Độ và Sri Lanka.
Mặc dù với sản lượng và số lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu được của mặt hàng này chưa cao, tính cạnh tranh của mặt hàng còn thấp, giá cả sản phẩm không ổn định trên thị trường quốc tế và vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Thời gian qua, Việt Nam xuất khẩu chè ở mức giá trung bình là 1,7 USD/kg, trong khi giá trung bình của thế giới là 2,6 USD/kg. Theo ông Long, giá chè Việt Nam như vậy là thấp. Việt Nam cần phải tạo được liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng thì mới nâng cao giá bán.
Hiện, các địa phương cũng đã tập trung xây dựng những vùng chè an toàn, chất lượng cao. Như tỉnh Hà Giang có gần 21 nghìn héc-ta chè, trong đó hơn 70% diện tích là chè shan tuyết cổ thụ. Xác định đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016 đến nay, tỉnh này triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với số vốn đầu tư hơn 56 tỉ đồng, trong đó, tập trung cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn héc-ta…
“Xứ chè” Thái Nguyên có 17.824ha chè giống mới, chiếm gần 80% diện tích; gần 2.500ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, hàng trăm héc-ta chè được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Tỉnh Tuyên Quang cũng đã sản xuất các sản phẩm chè bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn EU, giúp giảm giá thành sản xuất, chè thành phẩm được bán với giá cao hơn, thị trường được mở rộng và ổn định nhờ công nghệ sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý.