Ngành công nghiệp hỗ trợ cần các chính sách dài hạn và bám sát thực tiễn
Để Việt Nam có thể nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản(JETRO), trước hết Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2018 cho thấy, số dự án của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có hướng mở rộng hoạt động. Đây là tỉ lệ cao so với các quốc gia khác. Điều đó chứng tỏ Việt Nam tiếp tục có vị thế là điểm đến đầu tư. Động lực để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam là doanh thu tăng, tiềm năng và tính tăng trưởng cao.
Mặc dù, Việt Nam có nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Nhật đầu tư nhưng theo ông Hronobu KITAGAWA, Trưởng Đại diện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng Hà Nội vẫn tồn tại những khó khăn trước mắt cần phải giải quyết sớm.
Đó là tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. Theo thống kê, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Những năm gần đây, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu tại Việt Nam có tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Điều này khiến doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, làm cho chi phí gia tăng và tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong trung và dài hạn. Các doanh nghiệp sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ một số quốc gia lân cận.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những vấn đề tồn đọng ở Việt Nam. Do đó, đại diện JETRO cho rằng, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất và chế tạo cao.
Do đó, để Việt Nam có thể nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo ông Hronobu KITAGAWA, trước hết Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, khi đó Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.
Hơn nữa, cần phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Để cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài cần lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho sản phẩm.
Mặt khác, Việt Nam cần xây dựng các chính sách dài hạn và bám sát thực tiễn cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách ưu tiên để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này vì đây là một nhân tố quan trọng đưa nền công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đi lên. Chẳng hạn như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp về thiết kế mẫu và phát triển mẫu, cung cấp thông tin khách hàng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, yếu tố nguồn nhân lực vô cùng quan trọng. Việc xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết. Nâng cao đội ngũ thợ lành nghề và kỹ sư trong các ngành khoa học kỹ thuật. Tạo điều kiện để sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành và có thái độ đúng đắn với môi trường làm việc của một doanh nghiệp sản xuất. Tại Nhật Bản, các chương trình đào tạo cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao kỹ năng tay nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc hay các chương trình giáo dục giúp người trẻ có kỹ năng thực tế khi làm việc như hệ thống trường cao đẳng dạy nghề được chú trọng xây dựng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ gặp khó khăn trong hoạt động do họ có quá ít thông tin về các khách hàng. Do đó, cần thiết lập một hệ thống thông tin doanh nghiệp chính thức, xây dựng mạng lưới thông tin nội bộ doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để kết nối, trao đổi thường xuyên giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài, thông qua đó hiểu được mong muốn, nhu cầu của nhau để hỗ trợ, giúp đỡ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển nền công nghiệp hỗ trợ.
Đặc biệt, ông Hronobu KITAGAWA nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt luôn phải cập nhật thông tin mới, chính xác về công nghệ, khoa học kỹ thuật để có chiến lược áp dụng bài bản, hiệu quả.