Ngành Giao thông vận tải thích ứng với trạng thái 'bình thường mới'
Nhằm chủ động thích ứng với trạng thái 'bình thường mới', ngành Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp để đạt mục tiêu kép: Vừa không để dịch bệnh lây lan, vừa vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa..., phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hành khách đi xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh tuân thủ việc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng.
Thực hiện nghiêm Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch
Xe chạy tuyến cố định, xe buýt nội đô, buýt đường sông tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại từ ngày 4-5. Tại các bến đón, trả khách và trên các phương tiện này đều phải trang bị nước rửa tay diệt khuẩn và thực hiện giãn cách xã hội. Người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, găng tay. Hành khách lên xe đeo khẩu trang và ngồi giãn cách theo quy định.
Với taxi, ngành Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh quy định, lái xe phải đeo khẩu trang và trang bị nước rửa tay sát khuẩn cho khách. Các lái xe được khuyến khích mở cửa sổ xe khi chạy xe, hoặc nếu có bật điều hòa thì để nhiệt độ trên 26 độ C. Hành khách khi lên xe phải đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, tính đến thời điểm này, Sở đã cho phép các hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi… hoạt động trở lại. Riêng xe tuyến cố định liên tỉnh chỉ chạy khi được sự cho phép của cơ quan quản lý của cả nơi đi và nơi đến. Các nhà xe được triển khai 100% số chuyến trong biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt đối với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ thấp và tối đa đến 50% số chuyến theo biểu đồ với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm có nguy cơ.
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực giao thông vận tải do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh ban hành và thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Nếu đơn vị nào chỉ đạt dưới 60% các tiêu chí, sẽ bị ngừng hoạt động cho đến khi khắc phục hết những thiếu sót, hạn chế trong phòng, chống dịch Covid-19”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
Về phần mình, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh thông tin, ngành y tế đang phối hợp với ngành Giao thông vận tải của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát y tế đối với tất cả các hành khách trên các phương tiện giao thông vận tải, bằng các hình thức như khai báo y tế, đo thân nhiệt, cách ly khách quốc tế..., nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời những người có biểu hiện bệnh lý, quyết tâm không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Nỗ lực phục hồi hoạt động
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện mỗi ngày, thành phố đón khoảng hơn 20.000 người đến từ các chuyến bay nội địa, tàu hỏa... Con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, khi ngành hàng không và đường sắt tiếp tục tăng tần suất và năng lực vận chuyển trên các chuyến bay, chuyến tàu, vận tải hành khách và hàng hóa.
Nhằm nỗ lực phục hồi hoạt động, hiện ngành giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh không chỉ nới lỏng các quy định giãn cách trong vận tải hành khách công cộng mà còn khuyến khích tăng cường vận tải, lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, từ ngày 10-5, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho phép các xe ô tô được chạy 2 chiều trên 9 tuyến đường một chiều thuộc quận 1 và quận 10, trong khung giờ từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế ban đêm...
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm: "Cơ quan chuyên môn sẽ sớm hoàn tất việc cắm biển báo và tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường này, để người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, tuân thủ quy định khi lưu thông, bảo đảm an toàn".
Có thể nói, thích ứng với trạng thái "bình thường mới”, ngành giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực góp sức thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.
Những nỗ lực này sẽ góp phần hiện thực hóa chỉ đạo cuaỦỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: “Thành phố sẽ phấn đấu trở lại các hoạt động bình thường từ tháng 7-2020, với quy mô và mức độ như thời điểm trước khi có dịch Covid-19”.