Ngành may mặc ở Vĩnh Linh có xu hướng phát triển mạnh

Tại huyện Vĩnh Linh, ngành may mặc đang có xu hướng phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô. Hiện trên địa bàn có gần 15 nhà máy, cơ sở may công nghiệp, sản xuất khoảng 550.000 sản phẩm/ năm, giá trị tạo ra 25 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động. Đặc biệt trong năm 2021, tuy phần lớn các ngành nghề công nghiệp chịu tác động bất lợi từ COVID- 19, nhưng riêng ngành may mặc vẫn thành lập mới thêm 6 cơ sở, quy mô trên 30 công nhân/cơ sở, điều đó cho thấy tiềm năng và triển vọng của những mô hình thuộc lĩnh vực này.

 Hợp tác xã may công nghiệp An Tiên Sơn ổn định hoạt động sản xuất trước tác động của COVID-19 - Ảnh: N.T

Hợp tác xã may công nghiệp An Tiên Sơn ổn định hoạt động sản xuất trước tác động của COVID-19 - Ảnh: N.T

Chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1971) là người tiên phong đưa mô hình may công nghiệp về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Trăn trở trong mở hướng làm ăn, tạo thêm việc làm giúp người dân địa phương, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về gia công hàng may mặc xuất khẩu, đầu năm 2021, chị Thương đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng trên diện tích 200 m2 đất của gia đình, mua sắm trang thiết bị, máy móc, tuyển nhân công thành lập Hợp tác xã (HTX) may công nghiệp An Tiên Sơn. HTX chính thức hợp tác cùng Công ty Cổ phần May và Thương mại Gio Linh - Khu công nghiệp Quán Ngang, chuyên gia công mặt hàng áo quần xuất khẩu.

“Thời gian đầu, HTX gặp không ít khó khăn về công tác quản lý. Mặt khác, số lượng nhân công tìm việc làm hầu hết chưa được học về nghề may mặc. Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, chúng tôi chủ động phối hợp tổ chức đào tạo nghề từ đầu cho công nhân ngay tại xưởng. Quá trình đó, công nhân vừa học vừa làm nên cơ sở chấp nhận bù lỗ 20% lương nhân công, xem như chi phí đầu tư nhân lực về lâu dài”, chị Thương chia sẻ.

Vượt qua trở ngại bước đầu, HTX may công nghiệp An Tiên Sơn dần đi vào hoạt động nền nếp. Với nhiều nhân công tay nghề cao và khâu kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn chuyền may, đơn vị tạo ra những sản phẩm chuẩn, chất lượng, mỗi đợt hàng xuất xưởng đều nhận phản hồi tích cực từ đối tác. Tuy là tổ hợp mới song An Tiên Sơn luôn được đánh giá xếp hàng đầu trong tổng số gần 20 tổ hợp thuộc Công ty Cổ phần May và Thương mại Gio Linh. Gây dựng nên uy tín, số đơn hàng HTX nhận về ngày càng gia tăng.

Ngay trong những tháng COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất nhưng nhờ xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, thích ứng, linh hoạt trong điều hành, HTX may công nghiệp An Tiên Sơn vẫn duy trì các đơn hàng đã được ký kết từ trước, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Hiện trung bình mỗi tháng HTX xuất ra 7.000 - 8.000 sản phẩm, doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Sơn Trần Thị Vân cho biết: “Vĩnh Sơn thuộc nhóm xã có số dân đông nhất của huyện Vĩnh Linh, người trong độ tuổi lao động lớn, nhu cầu việc làm rất cao. Những mô hình như HTX may công nghiệp An Tiên Sơn đã góp phần tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên nữ giới, người thuộc diện yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo. Hiện đã có trên 30 công nhân nhận việc thường xuyên với mức lương 3,5- 5 triệu đồng/ tháng”.

Từ những hiệu quả cả về kinh tế và an sinh xã hội, HTX may công nghiệp An Tiên Sơn dự định mở rộng quy mô sản xuất. “Chúng tôi đã hoàn thiện kế hoạch gửi chính quyền địa phương xem xét, tạo điều kiện, nhất là về địa điểm sớm triển khai nhà máy may mặc ngay tại khu vực trung tâm xã nhằm thuận tiện hơn cho công nhân cũng như công tác nhập, xuất hàng hóa. Trên cơ sở đó tìm kiếm thêm đối tác, đa dạng hóa mặt hàng, tăng sức cạnh tranh, doanh thu, lợi nhuận. Nếu được phê duyệt, dự kiến với diện tích trên 2,5 ha, giai đoạn 1, nhà máy sẽ giải quyết việc làm ban đầu cho hơn 200 lao động”, chị Thương thông tin thêm.

Cùng với xã Vĩnh Sơn, tại huyện Vĩnh Linh, các tổ chức, doanh nghiệp ở những xã, thị trấn gồm Hiền Thành, Vĩnh Chấp, Vĩnh Giang, Cửa Tùng... cũng đang phát huy tốt thế mạnh lĩnh vực may mặc xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo Đề án phát triển ngành công nghiệp huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, đối với ngành may mặc, giày da, phấn đấu đến năm 2025 có gần 20 công ty, cơ sở; tạo việc làm cho trên 2.000 công nhân với mức lương 7- 8 triệu đồng/ người/tháng. Tổng giá trị của ngành đạt trên 120 tỉ đồng, tăng bình quân 18%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, huyện đề ra các nhóm giải pháp cụ thể, trước hết tăng cường chính sách hỗ trợ về mọi mặt nhằm tạo động lực, tiếp tục thu hút, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào ngành may mặc, giày da phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ đáp ứng cho thị trường… Từ đó, cùng với các ngành nghề công nghiệp khác đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Vĩnh Linh theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163824&title=nganh-may-mac-o-vinh-linh-co-xu-huong-phat-trien-manh