Ngành Ngân hàng Đà Nẵng đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế
Ngày 24/7/2019, ngành Ngân hàng Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng 6 tháng cuối năm 2019.
Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Thời gian qua, chính quyền Đà Nẵng tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện thành công chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Đà Nẵng đặt ra mục tiêu thu hút mạnh các tập đoàn kinh tế lớn, chiến lược vào 5 lĩnh vực mũi nhọn.
Theo đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của Đà Nẵng tiếp tục được giữ ổn định, duy trì tăng trưởng. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,21% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất đạt mức 7,69%, cao hơn mức tăng 7,34% của cùng kỳ năm 2018. Trong khu vực dịch vụ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,36%, là một trong những ngành chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Lĩnh vực du lịch tiếp tục là ngành có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của thành phố biển. Du khách đến Đà Nẵng khoảng 4,3 triệu lượt, tăng 15,1%, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khoảng 14.978 tỷ đồng, tăng 15,1%.
Đà Nẵng cũng vinh dự được Tạp chí New York Times xếp hạng ở vị trí thứ 15 trong nhóm 52 điểm đến năm 2019. Sân bay quốc tế Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về đánh giá chất lượng hàng không.
Cùng đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt khoảng 48.150 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 841 triệu USD, tăng 5,9%...
Có được kết quả đó một phần nhờ sự đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng trong cung ứng vốn và các giải pháp tài chính đối với nên kinh tế địa phương.
Theo ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng, ngành Ngân hàng thành phố triển khai đồng bộ, thống nhất các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2019; Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Ông Minh khẳng định, với các giải pháp cụ thể và bám sát chiến lượt phát triển kinh tế địa phương, ngành Ngân hàng thành phố đạt được kết quả tích cực, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cơ cấu tín dụng hợp lý
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng cho biết thêm, hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn có mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2019. Dư nợ cho vay đến 30/6/2019 đạt 168.148 tỷ đồng, tăng 12,09% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng 25,72%, cho vay trung dài hạn tăng 32,58%, cho vay bằng VND tăng 31,12%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,57%.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng được kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung vốn cho nhu cầu thực của người dân và tổ chức kinh tế.
Đối với cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối tháng 6/2019, tổng dư nợ cho vay đạt 11.168 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% tổng dư nợ trên địa bàn, nợ quá hạn phát sinh 451 tỷ đồng, chiếm 0,27%/tổng dư nợ.
Các chi nhánh TCTD trên địa bàn cho vay đóng mới, nâng cấp 9/10 tàu cá được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt (7 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp), với tổng số cam kết giải ngân 120,39 tỷ đồng, doanh số cho vay 118,34 tỷ đồng, tổng dư nợ 111,15 tỷ đồng.
NHNN chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với các TCTD tiếp tục triển khai tích cực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay khoảng 7.945 tỷ đồng với 1.157 lượt doanh nghiệp. Ngoài ra, các TCTD tài trợ, cam kết đầu tư tín dụng cho 8 dự án trên địa bàn, với tổng dư nợ 2.455 tỷ đồng.
Các TCTD cũng tích cực triển khai các gói tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện tổng dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên tại địa phương hơn 60.435 tỷ đồng tăng 9,3% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 11.168 tỷ đồng, dư nợ lĩnh vực xuất khẩu 3.368 tỷ đồng, dư nợ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ 2.261 tỷ đồng, dư nợ DNNVV 43.627 tỷ đồng và dư nợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 10 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, với những giải pháp quyết liệt của ngành Ngân hàng Đà Nẵng góp phần giúp thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định, an toàn, thực hiện quyết liệt các cơ chế chính sách tiền tệ, chủ trương của Chính phủ và NHNN góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Đồng thời, kiểm soát lãi suất huy động cơ bản ổn định, các TCTD cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động huy động vốn. Hoạt động cho vay tăng trưởng tốt, tăng 29,91% so với cùng kỳ và tăng 12,09% so với cuối năm 2018, tăng đều cả cho vay ngắn hạn và trung dài hạn. Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp (dưới 3%), các TCTD tiếp tục tích cực xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, góp phần đảm bảo an toàn của hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng, hoạt động của ngành Ngân hàng TP. Đà Nẵng đã bám sát các mục tiêu, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, các TCTD hiện cũng đang đối mặt với những khó khăn đối với việc phát sinh nợ xấu liên quan đến 2 nhà máy Thép DaNa - Úc; DaNa - Ý và các dự án liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm liên quan trong lĩnh vực đất đai tại Đà Nẵng. Do đó, đề nghị UBND TP. Đà Nẵng hỗ trợ 2 CTCP Thép Dana - Ý và Dana - Úc ổn định sản xuất kinh doanh; giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai để TCTD có thể thu hồi nợ, tránh xảy ra nợ xấu.
Những giải pháp cho 6 tháng cuối năm
Kết luận hội nghị, ông Võ Minh cho rằng trong 6 tháng cuối năm, các TCTD cần tiếp tục bám sát định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng chi nhánh được Hội sở giao để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh TCTD trên địa bàn, đảm bảo tín dụng tăng trưởng an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, ông Minh chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dung, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán..; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng có khoản vay lớn.
Chú trọng, dành nguồn vốn nhất định để phát triển các gói sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng. Đặc biệt, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông người lao động, góp phần hạn chế tín dụng đen.