Ngành nông nghiệp 'khát' nhân lực chất lượng cao

Để phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực với tư duy mới, khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học - công nghệ tốt. Tuy nhiên, chất lượng lao động khu vực nông thôn của tỉnh còn yếu, đa phần là người già, người trung tuổi, chưa qua đào tạo nên việc sử dụng công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) đã tạo được chỗ đứng vững trên thị trường nhờ sản phẩm rau, quả được trồng và chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Chị Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Ngay từ khi thành lập, hợp tác xã định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm, trong đó sản phẩm chủ lực là trồng dâu tây và cà chua để khách du lịch tham quan.

Công nhân Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi chăm sóc dâu tây.

Công nhân Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi chăm sóc dâu tây.

Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả các luống dâu tây được trồng trên giá, cách mặt đất 1 m, giúp cây khô thoáng, hạn chế nấm bệnh. Hợp tác xã xây dựng khung nhà màng, trang bị hệ thống tưới nước tự động, giá trồng cây, hệ thống lọc nước, đèn led… Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã giúp giảm công lao động và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng được thị trường đón nhận. Cùng với đó, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội...

Tuy nhiên, hầu hết công việc sử dụng các thiết bị, công nghệ cao do Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi vận hành vì không thể tìm được công nhân đủ năng lực, trình độ để chuyển giao, thực hiện. Đơn cử việc vận hành hệ thống tưới tự động tại 4 vườn dâu tây rộng 2,5 ha vẫn một mình chị Dung đảm nhận vì không tìm được công nhân có khả năng đọc thông số để nhập liệu cho hệ thống điều tiết lượng nước tưới, thời gian tưới, tốc độ vòi phun cho từng luống dâu.

Chị Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Hợp tác xã hiện có 15 lao động làm việc thường xuyên, đa số là người địa phương, không thành thạo tiếng phổ thông nên chủ yếu làm đất, nhổ cỏ, khuân vác, bảo vệ... Nguồn lao động có trình độ, biết sử dụng công nghệ lại chủ yếu ở ngoại tỉnh, ngoài trả lương cao, đồng thời phải lo ăn, nghỉ cho họ nên hợp tác xã không gánh được chi phí.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, mà các loại hình nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch cũng đang thiếu hụt lao động. Anh Trần Chí Thành, Giám đốc Hợp tác xã Tả Phìn Xanh (thị xã Sa Pa) cho biết: Với hoạt động chính là du lịch nông nghiệp thì nhân lực trong việc chuyên biệt hóa du lịch đang là rào cản trong mở rộng mô hình. Hiện nay, để đào tạo 1 nông dân sản xuất nông nghiệp thuần túy có thêm các kỹ năng như thích ứng khoa học - kỹ thuật, công nghệ gắn với dịch vụ chuyên nghiệp là cả một quá trình, đòi hỏi sự hỗ trợ đào tạo, tập huấn trong thời gian dài gắn với các hoạt động thực tế.

Theo niên giám thống kê năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh có 382,89 nghìn người, trong đó lực lượng lao động ở nông thôn chiếm 75%. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,59%, trong đó lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 13,49%. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2021 là 1,94%, trong đó khu vực nông thôn là 1,34%.

Cần đầu tư cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp.

Cần đầu tư cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lao động khu vực nông thôn hiện nay chủ yếu là người trung tuổi và lớn tuổi với khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, tâm lý ngại tiếp thu khoa học - kỹ thuật mới. Trong khi đó, nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật phần nhiều di chuyển đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp tìm việc làm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có sức khỏe, có khả năng tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay trên địa bàn.

Hiện tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nông nghiệp còn ít so với lực lượng lao động nông thôn và nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế. Một số nghề mới nhưng năng lực đào tạo chưa đáp ứng kịp, như canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nghề quản trị theo chuỗi giá trị hoặc kế toán phân tích, quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Sự liên kết giữa cơ sở đào tạo lao động và đối tượng sử dụng lao động còn ít. Nhận thức, thái độ, ý thức học nghề của một số người lao động còn hạn chế.

Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để giải bài toán thiếu lao động chất lượng khu vực nông thôn, cần xác định đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội. Cần có chính sách hỗ trợ, phối hợp với các cơ sở giáo dục trong hoạt động xây dựng các chương trình đào tạo; đánh giá kỹ đặc điểm từng vùng, địa phương để có những chính sách đào tạo nhân lực phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thu hút đội ngũ giáo viên có chất lượng. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là giải pháp để thu hút người lao động học nghề, gắn bó với nông nghiệp.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363557-nganh-nong-nghiep-khat-nhan-luc-chat-luong-cao